Dịch giả Khánh Phương:

Có tác phẩm “khoe” với bạn bè quốc tế, không vui sao được!

Từ năm 2020 - 2021, cùng nhóm Nữ dịch giả văn học Hà Nội, nhà văn, dịch giả Khánh Phương (ảnh dưới) đã “dịch ngược” tác phẩm của hàng chục tác giả văn, thơ trong nước. Vừa qua, tập truyện ngắn Hungary “Sự biến hóa của Casanova” (tác giả Attila F. Balazs) do chị chuyển ngữ, đã được NXB Hội Nhà văn xuất bản tại Việt Nam.

Sách “Sự biến hóa của Casanova”.
Sách “Sự biến hóa của Casanova”.
Có tác phẩm “khoe” với bạn bè quốc tế, không vui sao được! -0

Phóng viên (PV): “Sự biến hóa của Casanova” là tập truyện ngắn Hungary đầu tiên mà chị chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam, chị có thách thức nào khi chuyển ngữ tác phẩm này?

Dịch giả, nhà văn Khánh Phương (KP): Tôi vốn đi đâu thì muốn biết chút ít về nơi đó. Thí dụ, hồi học ở Nhật thì tìm đọc thơ Haiku và bị yêu thể loại thơ này từ lúc nào chẳng hay. Ở Nga thì yêu Puskin. Ở Pháp thì yêu cổ tích… Được sống và làm việc ở 24 quốc gia nên vô tình tôi biết chút ít về sự tổng hòa văn hóa quốc tế. Tuy không thật sự nghiên cứu sâu về một nền văn hóa nào đó ở châu Âu, nhưng tôi dễ cảm thụ, vì vậy không quá thách thức khi tôi dịch “Sự biến hóa của Casanova”. 

Đương nhiên, tôi phải đọc kỹ bản tiếng nước ngoài, sau đó nếu thấy thú vị hay ít nhất là có thông điệp thì mới bắt đầu dịch. Tôi có tìm hiểu về tác giả, về quê hương và mối quan hệ giữa tác giả với Việt Nam. Tôi cũng liên lạc trực tiếp với tác giả để thêm cảm nhận ngoài những gì sách báo nói. 

PV: Những phản hồi của tác giả Attila F.Balazs với chị có cho chị kinh nghiệm nào trong việc dịch văn học?

KP: Tác giả có kiến thức uyên thâm về thế giới quan, nhân sinh quan và xuất sắc trong những câu chuyện khám phá nội tâm nhân vật. Thông điệp sâu xa của tác giả làm cho người ta phải tự giải thích với chính mình. Đó là lý do cuốn sách hấp dẫn và tôi quyết định dịch nó. Tác giả đã cho tôi bài học, viết truyện thì hãy để cái kết mở để người đọc tự suy tư, nó sẽ tạo điều thú vị và sự tò mò. 

PV: Chị đã dịch tác phẩm trong bao lâu? Thường trong một đêm, chị có thể giải quyết được khối lượng công việc như thế nào?

KP: À, về điều này thì vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của tôi. Tôi “bị” cực đoan trong công việc sáng tác văn học. Nếu đã nhận lời dịch bài thơ hoặc truyện bất kỳ, tôi phải hóa thân cùng tác giả và tác phẩm, miệt mài quên không gian thời gian cho đến khi hoàn thành. Ngày trước, tôi hay bị mọi người “la” vì ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bản tính không thay đổi, sau này tôi chuẩn bị cho mình những đĩa hoa quả ngon lành, bánh pho-mai tuyệt hảo, rượu vang… nên mọi người thấy thế, đỡ lo lắng và than phiền. Như thế, tôi có thể hạnh phúc phóng tác những con chữ của mình mà không bị ngắt quãng dòng cảm xúc. 

“Sự biến hóa của Casanova” tôi dịch trong một tuần liên tục, bốn đêm không ngủ. Không làm bất cứ việc gì, xin phép gia đình “ẩn dật” và chỉ ra khỏi phòng khi có việc cần, trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, phải mất một tuần trước khi dịch, tìm hiểu mọi thông tin liên quan để chuẩn bị sẵn sàng cho ngôn từ ngon ngọt. 

PV: Chị là thành viên của nhóm Nữ dịch giả văn học Hà Nội, chị cũng từng dịch miễn phí cho một số tác giả Việt Nam với mục đích quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Điều gì thôi thúc chị làm công việc dịch văn chương nhọc nhằn mà lại sẵn sàng không nhận thù lao?

KP: Với tôi, dịch truyện và dịch thơ cũng là sáng tác. Bởi nếu chỉ dịch thuật thì rất dễ, nhưng dịch văn học yêu cầu phải có “đôi cánh bay bổng” hay thậm chí “mộng du” đôi khi “phù du”, thế nên, tốt nhất dịch giả văn học nên là nhà văn/nhà thơ. Hoặc ít nhất là người đã từng viết truyện, làm thơ thì dễ cảm thụ hơn. 

Tôi nghĩ thế nên nhiều tác giả Việt Nam liên lạc và nhờ tôi dịch thơ, dịch truyện của họ thì tôi rất sẵn lòng. Chẳng phải họ không nhờ được ai dịch, mà là họ thấy tôi cũng viết truyện, làm thơ nên họ nhờ mình giúp thôi. Đôi khi giúp họ miễn phí, dẫu thời gian của tôi chẳng phải dư dả. Bởi tôi hiểu, họ mong muốn kết nối giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài mà thôi. Và khi văn học Việt Nam được vươn ra nước ngoài thì chẳng phải chúng ta tự hào sao, đi bên cạnh bạn bè quốc tế, có điều hay ho để “khoe” chẳng tốt à? Vậy nên không vui sao được? 

Tuy nhiên, có nhiều nhà thơ Việt Nam cũng rất hào phóng. Họ “thưởng” cho tôi rất hậu hĩ bằng vật chất hay bằng tinh thần thì tôi đều đặc biệt trân trọng. Bởi giữa nhà thơ, nhà văn chúng tôi dường như có ngầm định mối lương duyên “cho đi” rất dễ dàng. Việc ấy “nhẹ như lông hồng” là có thật. Nhận nhiều hay nhận ít, thậm chí không nhận chút nào cũng rất vui! 

PV: Cảm ơn lòng hào hiệp của chị!

Càng ngày tôi càng có nhiều bạn văn, bạn thơ nước ngoài. Nếu không vì dịch Covid thì chúng tôi có khi gặp nhau nhiều rồi. Tôi và họ học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi bổ trợ cho nhau và hợp tác vì một nền văn học xuyên biên giới (Dịch giả Khánh Phương).