Sống đẹp

Cô gái Mường và trái quýt thơm thảo

Tuy học tập, lập nghiệp ở thành phố nhiều năm, cô gái người Mường Hà Hồng Nhung (28 tuổi) quê ở Bá Thước (Thanh Hóa) không quen được môi trường sống ngột ngạt ở phố. “Khi sống xa quê, càng nhiều trải nghiệm, tôi càng thấm thía hơn những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Giữa đô thị, nhiều lúc tôi thấy nhớ rừng đến quay quắt. Tôi nhận ra, nơi đó không phù hợp với mình. Tôi quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp...”.

Chị Hà Hồng Nhung.
Chị Hà Hồng Nhung.

Bá Thước, quê hương Hồng Nhung vốn là vùng đất không chỉ đẹp mà còn giàu có với đa dạng sản vật địa phương. Nhiều lần đưa bạn bè về quê chơi, mọi người ngạc nhiên thích thú khi phát hiện ra Bá Thước là thủ phủ của giống quýt hoi. Những gốc quýt cổ hàng trăm năm tuổi mọc hoang dã khắp nơi trong rừng già, dọc triền núi, vườn đồi... Đến mùa thu hoạch, quả lúc lỉu trên cây, người dân chỉ quá quen thuộc với nó nên chẳng ai ngó ngàng. 

Chị Hà Hồng Nhung luôn giới thiệu với khách du lịch khi đến với Pù Luông, quýt hoi là sản vật bản địa phân bố trên núi cao tại khu vực các xã Thành Lâm và Thành Sơn của Bá Thước. Sử sách có chép, thứ quả này vốn là nông sản quý, mỗi mùa người dân địa phương dâng lên cho quan quận một gánh trĩu. Từ xa xưa, vỏ quýt được đưa vào các bài thuốc nam trị ho, các chứng cảm cúm, nhiễm lạnh, hoặc phơi khô hãm nước uống giữ ấm cơ thể vào mùa đông...

Đó là thời kỳ Hồng Nhung mới trở về quê, đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Chứng kiến quýt chín rụng khắp nơi, cô gái trẻ nung nấu ý nghĩ không thể để tình trạng lãng phí như thế, khi đời sống người dân vẫn còn khó khăn bộn bề. Ý tưởng manh nha trong đầu những người trẻ. Ba người bạn gồm Đào Ngọc Bình, Hà Thanh Nhàn và Hà Hồng Nhung nhanh chóng lập thành nhóm bàn bạc thảo luận, chung tay khởi nghiệp với các chế phẩm từ quả quýt hoi địa phương. 

Cuối năm 2020, Công ty TNHH Puluong Cuisine (Tinh hoa ẩm thực Pù Luông) với ba thành viên chủ chốt được thành lập nhằm thu mua, giới thiệu những sản vật độc đáo của địa phương, đặc biệt là sản xuất các chế phẩm từ quýt hoi, lan tỏa sâu rộng hơn vào đời sống. Ngay sau đó, du khách đến với khu du lịch Pù Luông được nhấp những ngụm trà thảo mộc đầu tiên, hương vị lạ lẫm mà thân thuộc. Thứ trà mộc mạc được làm từ vỏ quýt hoi của bà con có vị thanh mát, thơm ấm được giới thiệu hỗ trợ tiêu viêm, phần nào tăng sức đề kháng và giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt phù hợp dùng trong mùa đông xứ bắc. 

Để làm ra thức uống đặc biệt này, chị Hà Thanh Nhàn đến tận các thôn bản đặt vấn đề thu mua với bà con. Theo đó, chị đưa ra những yêu cầu cụ thể, như khi hái quả, cần giữ được cuống lá nhằm bảo đảm độ tươi mới, hương vị giữ lại được nguyên bản nhất, vừa là kỹ thuật để cây phát triển tốt hơn cho vụ sau.

Sau hàng loạt khâu sơ chế ban đầu, vỏ quýt đưa vào dây chuyền sấy khô, cắt sợi và tiếp tục sấy ở nhiệt độ thấp một lần nữa để bảo đảm giữ được hương vị trọn vẹn nhất. Trà đạt chất lượng cao có mầu sắc đồng đều, lưu giữ được lượng lớn tinh dầu và hương vị đặc trưng. Bên cạnh vỏ làm trà, nước quýt được tận dụng làm siro trị ho, nước giải khát; phần bã cuối cùng được ủ với bồ hòn làm enzyme giặt giũ, tẩy rửa... Trong dây chuyền khép kín đó, tất cả mọi thứ đều được tận dụng tối đa, thân thiện môi trường nhất có thể.

Cô gái Mường và trái quýt thơm thảo -0
Chị Hà Hồng Nhung (áo đỏ) giới thiệu về dây chuyền sản xuất trà quýt hoi. 

Vốn có bằng cử nhân của Đại học Luật Hà Nội, chị Hà Hồng Nhung phụ trách các công việc bảo đảm nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm, các thủ tục để có được chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu... Nhóm đã nỗ lực kêu gọi sự trợ giúp của chính quyền cùng vận động, hỗ trợ bà con mở rộng vùng nguyên liệu, đưa cây quýt hoi thành cây nông sản, phát triển, nhân rộng giống cây ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng cho năng suất, chất lượng cao. 

Các thủ tục pháp lý để đưa cây quýt hoi ra khỏi vùng đất chật hẹp được Nhung chú trọng thúc đẩy nhanh. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm hai năm nay của Bá Thước đã có sự xuất hiện đầy nội lực của các sản phẩm từ quýt hoi. Từ năm 2019 nhen nhóm ý tưởng, đến 2021, Công ty TNHH Puluong Cuisine liên kết thu mua cho bà con với diện tích khoảng 30 ha. Theo tính toán 1ha quýt thu hoạch bình quân 6 tấn/năm, cho thu nhập 70-90 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt có một số vườn quýt sản lượng hơn 10 tấn/năm, cho thu nhập 120-150 triệu đồng/ha/năm. 

“Ý tưởng nhân rộng mô hình trồng quýt hoi may mắn được chính quyền xã hỗ trợ mọi mặt, đặc biệt là tạo điều kiện vay vốn, tạo đà cho chúng tôi cố gắng và đến hôm nay đã khởi nghiệp thành công”, anh cả Đào Ngọc Bình, người lớn tuổi nhất và cũng là người lăn lộn, xông xáo nhất của nhóm chia sẻ.

Theo chị Hà Hồng Nhung, hiện mỗi ngày công ty sấy được 400 kg quýt tươi, thu được 200 hộp trà. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 40 tấn quýt trên diện tích trồng quýt lên tới 50 ha. Hiện doanh nghiệp duy trì từ 15 lao động ổn định, với thu nhập bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng/người, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.

Quýt hoi được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện Bá Thước, trà quýt hoi đang được Công ty TNHH Puluong Cuisine xây dựng hướng tới sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa với diện tích hơn 17.600ha cùng hệ động thực vật phong phú, với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, là một trong những điểm du lịch đầy sức hấp dẫn với du khách mọi miền. Với sự phát triển và quảng bá giống bản địa quý, hiện nay, một số du khách đến Bá Thước yêu quý cây quýt hoi đã đề xuất được dẫn đến thôn Eo Kén của xã Thành Sơn để ngắm những thân quýt cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn còn được người dân địa phương gìn giữ. Đó cũng là hướng tiếp cận thú vị của ngành du lịch tỉnh Thanh trong thời gian tới...

Từ một loại cây mọc dại trên đồi núi, không mang lại giá trị kinh tế, đến nay cây quýt hoi đã đem lại thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ dân. Người dân Bá Thước yên tâm lao động, trồng trọt chăm chút, biết yêu quý những gốc cây sản vật riêng có của quê hương, con em lớn lên không phải bươn bả tha hương mà làm giàu trên chính quê hương mình bằng sản xuất, tham gia cung ứng vào chuỗi sản phẩm để nâng cao đời sống kinh tế... 

Mô hình khởi nghiệp từ cây quýt hoi của nhóm Hà Hồng Nhung được đánh giá cao vì có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường với các công nghệ xanh, lọt vào chung kết Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ X năm 2022.