Báo chí xuống đường chống chính quyền Sài Gòn

NDO - Trong những năm cầm quyền, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng nhiều hình thức đàn áp báo chí và các sinh viên, học sinh Sài Gòn. Năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng Sắc luật 007. Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa.

Theo Sắc luật 007, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Ðiều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí tại miền nam. Sau khi sắc luật này ra đời, nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% số người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm đấu tranh, làm ổn định lại tình hình báo chí Sài Gòn và cả ở miền nam.

Nhà báo - nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, một thành viên tham gia cho biết: Ðể chuẩn bị cho phong trào đấu tranh của giới báo chí, ngày 8-9-1974, một cuộc họp liên tịch đã được ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Ðại dân tộc làm Chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết là chống lại việc thi hành Sắc luật 007 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" đã được Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt thống nhất cao. Và Nghiệp đoàn đã cử ra các đại diện của ban tổ chức gồm có: Nguyễn Kiên Giang (Chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn ký giả Nam Việt; nhà báo Văn Mại (cựu Tổng Thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam; Thái Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Ðoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Ðình (chủ báo Thần Chung và sau là Ðuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm),  nhà thơ - nhà báo - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà; nhà báo Tô Nguyệt Ðình tức Nguyễn Bảo Hóa...

Với danh xưng là "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày", nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo, thầy cò... gọi chung là "công nhân liên thuộc"...

Ban tổ chức "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày" quyết định chọn ngày 10-10-1974 làm ngày xuống đường biểu tình. Các vật dụng được các nhà báo chuẩn bị là: nón lá, bị, gậy (các vật dụng của ăn mày). Nhất là các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, trên nón lá kẻ dòng chữ: "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày". Các lực lượng nhà báo cũng được bố trí theo vòng trong, vòng ngoài, sẵn sàng đối phó với việc bị khủng bố từ phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Về phía Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt cũng đã tôn trọng và báo cho chính quyền Sài Gòn, chính thức thông báo ngày giờ diễn ra.

Suốt trong ngày 9-10-1974, nhiều thành phần trong giới báo chí, quần chúng cảm tình với báo chí, nghị sĩ, dân biểu... đã đến Câu lạc bộ báo chí (lúc đó là số 15 Lê Lợi, quận 1) để bày tỏ tình cảm, tiếp tế bánh mì, thuốc lá, cà-phê, cam, chanh... cho anh em báo giới đứng lên đấu tranh với chính quyền Sài Gòn.

Sáng 10-10-1974, một nguồn tin cho biết, chính quyền Sài Gòn sẽ "không đàn áp bằng vũ lực, không giải tán nhưng cũng không cho ký giả xuống đường đi ăn mày". Thật sự, chính quyền đã bố trí một lực lượng binh lính, mật thám, xe Jeep... để bí mật theo dõi và đàn áp. Ðúng 8 giờ sáng 10-10-1974, nhà báo - nhà thơ Nguyễn Kiên Giang thay mặt Ban tổ chức đọc bản tuyên bố "Báo chí phải đi ăn mày vì Luật 007 của Tổng thống Thiệu". Khi lệnh xuất phát của Ban tổ chức "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày" được ban ra, đoàn người bắt đầu tìm cách phá hàng rào bao vây của cảnh sát chính quyền Sài Gòn, vì thế đã xảy ra xô xát. Trước quảng trường bao quanh Câu lạc bộ báo chí, cảnh sát tổ chức một hàng rào mạnh chặn ngang đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, nhằm ngăn cản đoàn biểu tình đi theo lộ trình đã được vạch sẵn. Ðoàn nhà báo từ đường Lê Lợi xuống chợ Bến Thành, vòng qua Công trường Quách Thị Trang - ngay cạnh chợ Bến Thành, rồi trở về quảng trường trước trụ sở Hạ viện Sài Gòn (nay là Nhà hát thành phố). Bằng ý chí đoàn kết, cuối cùng đoàn người biểu tình đã phá vỡ hàng rào cảnh sát, kéo nhau đi. Ði đầu đoàn biểu tình là Ban tổ chức với biểu ngữ: "10-10-1974, Ngày báo chí đi ăn mày". Cùng với đoàn ký giả đi ăn mày còn có các khẩu hiệu khác: "Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức". "Tự do ngôn luận, tự do báo chí", "Ðả đảo Luật 007", "Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày", v.v... Hai bên đoàn biểu tình là Biệt đoàn ký giả nhân dân tự vệ, có nhiệm vụ chống đỡ cho đoàn ký giả, nếu khi xảy ra đàn áp của cảnh sát Sài Gòn.

Ðoàn nhà báo xuống đường đi ăn mày đã hoàn thành lộ trình, kết thúc thành công cuộc xuống đường biểu tình. Sau khi giải tán, một số nhà báo và dân biểu lui về trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt - đầu đường Lê Lợi, đối diện với trụ sở Hạ nghị viện để canh giữ quà biếu nhận từ quần chúng. Tại đây đã diễn ra một cuộc đàn áp của cảnh sát, trực tiếp chỉ huy là Giám đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn. Nhiều nhà báo đã bị cảnh sát Sài Gòn đánh đập bằng dùi cui, trong đó nặng nhất là dân biểu bác sĩ Ðinh Xuân Dũng.

Ðoàn biểu tình đặt ông Dũng lên băng ca, khiêng đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để đòi công lý, nhưng giữa đường bị cảnh sát chặn lại, đàn áp bằng vũ lực, cuối cùng phải quay trở lại Hạ viện Sài Gòn.

Vào thời gian đó, cả hai đài Tiếng nói Hoa Kỳ và đài BBC đều nhìn nhận, đây là "cuộc biểu tình lớn nhất kể từ ba năm qua" của báo giới Sài Gòn. Uy tín của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu càng bị suy giảm nặng nề. Tuy đoàn nhà báo xuống đường đi ăn mày chỉ là một hành động của báo giới, nhưng nó như ngọn lửa cảnh tỉnh cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu về ngày sụp đổ còn không xa.