Bến phà Long Đại thuộc thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nằm trên trục đường chiến lược 15. Đây là địa điểm quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vượt sông vào Nam đánh giặc. Theo các tài liệu lịch sử, bến phà Long Đại là nơi giặc Mỹ thả quả bom đầu tiên bắn phá miền Bắc và cũng là một trong những trọng điểm ném bom, bắn phá của chúng trong quãng thời gian từ năm 1965 đến 1972.
Làng Long Đại trong chiến tranh được gọi bằng những cái tên như: Lũy thép bờ bắc, Cồn Cỏ đất liền, làng Đỏ, Bến phà Y, Bến Long đầu… Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, ngôi làng nhỏ bé Long Đại đã trở thành tọa độ ném bom vô cùng ác liệt với bốn nghìn trận đánh, tứ phía đều là mục tiêu bao vây của địch. Trong những năm tháng đỏ lửa ấy, Long Đại trở thành trận địa, già trẻ, gái trai đều ra trận chiến. Họ vừa làm đường san lấp hố bom, kéo phà, chèo đò chở bộ đội và vũ khí đạn dược qua sông, vừa làm nhiệm vụ cấp cứu thương bệnh binh, nuôi quân và giấu quân khi bộ đội hành quân qua làng. Đến lũy tre xanh, hàng cây cổ thụ trở thành lũy thép để che chở cho bộ đội, xe pháo ẩn nấu để bảo đảm cho việc vận chuyển hàng, súng đạn vào chiến trường miền Nam.
Nhà bà Phan Thị Thuật (Trung Đội trưởng đội giao thông vận tải các năm 1966-1967 và là Xã đội trưởng năm 1968) nằm ngay sát bến phà một. Bà đưa chúng tôi đi dọc triền sông Long Đại và kể, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1965-1972, Long Đại được xem như một “nút thắt cổ chai”. Dòng sông Long Đại này đã chứng kiến bao nhiêu mồ hôi và xương máu các đồng đội và người dân Long Đại ngã xuống.
Năm 1965, ở làng Long Đại, những thanh niên 15-16 tuổi hăm hở lên đường, trực chiến tại bến phà, bảo đảm an toàn tuyến đường sông cho vận tải vào chiến trường miền Nam. Lực lượng dân quân thanh niên xung phong Long Đại được hình thành hai trung đội. Trung đội cơ động được trang bị súng trung liên, đại liên, K44 có nhiệm vụ trực chiến 12 ly 7; đi bắt biệt kích ở Trường Sơn, bắt phi công ở Rào Trù, sẵn sàng đánh giáp lá cà khi có địch càn ra Bắc hay đổ bộ đường không... Một trung đội làm nhiệm vụ giao thông vận tải, bảo đảm an toàn cho bến phà cũng như chèo đò đưa bộ đội qua sông.
Khi bến phà chính bị đánh phá ác liệt, người dân trong làng gấp rút cưa xẻ gỗ để đóng 20 chiếc thuyền. Từ đây, những bến Mợi, bến Đò, bến Trái… được ra đời bí mật để âm thầm vận chuyển vào đêm. Bấy giờ, người dân Long Đại ngày thì vào rừng lấy cây mây về làm quai đò, tăng gia sản xuất, chăm nuôi bộ đội, thương bệnh binh; đêm thì đưa bộ đội qua sông. “Cứ 6 giờ tối đến 5 giờ sáng là chèo đò đưa bộ đội sang sông. 12 con đò chèo liên tục, mỗi đêm chở được hàng nghìn người. Nếu bị lộ, không bảo đảm an toàn, dân quân phải lui quân hoặc đi theo ký hiệu đò”, bà Thuật kể.
Thương vong tại mảnh đất này không thể kể xiết, trong đó có cuộc hy sinh tang thương của 16 TNXP quê Thái Bình trong cùng một hầm hay 16 TNXP quê Nghệ An cũng hy sinh trong một trận chiến.
Trong trí nhớ của bà Trần Thị Hằng (Chính trị viên trực chiến 12 ly 7), một đêm năm 1965, máy bay Mỹ bay vè vè trên bầu trời làng Long Đại, ném bong hòng chặn đứng con đường vận tải tại điểm trọng yếu. Như mọi khi, đại đội pháo của mệ Hằng bắn trả kịch liệt. Chỉ vài phút sau, từ điểm pháo bị lộ này, một quả bom đã rơi trúng ba khẩu pháo. “Tám đồng chí đã hy sinh ngay tại chỗ. Còn mình tôi bị thương văng ra xa”, mệ Hằng đưa tay lau nước mắt.
Một ngày năm 1967, trung đội 12 ly 7 của xã đã bắn rơi máy bay của quân địch. Năm 1968, trung đội 12 ly 7 phối hợp với hai tiểu đội trung liên, đại liên của trung đội cơ động thôn Long Đại lại tiếp tục bắn rơi một chiếc máy bay. Niềm tự hào ấy, đến giờ, bà Hằng vẫn kể lại với một chất giọng đầy hào sảng.
Trong kháng chiến chống Pháp, có sáu cựu dân quân của thôn Long Đại đã hy sinh và nhiều cựu thanh niên xung phong bị địch bắt tù đầy tra tấn khi đang làm nhiệm vụ. Trong kháng chiến chống Mỹ, có 11 chiến sĩ hy sinh, chín người bị thương nặng.
Từ 1966-1972, địch đánh thẳng vào làng, nhà cửa vườn ruộng thành bố bom; người và gia súc chết nhiều. Có gia đình không còn một ai. Lực lượng dân quân bám trụ phải ăn hầm, ngủ hầm. Nhịp thở của người dân lúc đó được tính bằng giây.
Với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời. Đường không thông, nhà không tiếc. Dốc toàn sức toàn lực cho tiền tuyến”, lực lượng dân quân Long Đại không ngại bất kỳ nhiệm vụ gì, từ trực chiến trận địa 12 ly 7, chèo đò, cứu phà bị bom đánh chìm, đưa trẻ em và người già đi tản cư vào khu Rào Trù, đào hầm cứu người, chữa cháy, cáng thương… Vòng quay chiến tranh đã cuốn sức lực của thế hệ TNXP, dân quân thanh niên xung phong vào những ngày đêm không được chợp mắt, áo quần chẳng kịp thay, không kịp ăn bát cơm.
Kể từ tháng 3-1965 đến năm 1972, dân quân của thôn Long Đại liên tục đưa bộ đội qua sông. Hằng đêm tại trận địa bến phà cũng như dọc theo thôn Long Đại cho tới hết xóm 4 của thôn liên tục hứng chịu hằng trăm nghìn trận bom Mỹ dội xuống nhằm ngăn chặn quân ta sang sông. Ngoài lứa tuổi trung niên đưa đò qua sông, còn rất nhiều thiếu niên quân tuổi từ 15-16 làm giao liên dẫn đường, mang vác quân tư trang, súng đạn cho bộ đội dẫn bộ đội về làng thu quân.
Thôn Long Đại có chiều dài khoảng 3 km, rộng từ bến sông lên giáp đường 15A khoảng 1 km. Làng nhỏ được bao trùm là bến phà, đường 15A, dưới dòng sông thì bom thủy lôi, bom từ trường, phía sau làng là pháo cao xạ chốt, xe pháo. Bốn phía là mục tiêu của địch bao vây. Trong ngôi làng trơ trụi cây cỏ khô vì hứng chịu bom đạn, dưới lòng đất, người dân Long Đại vẫn ngày đêm nấu cháo nuôi bộ đội để chờ đưa qua sông.
Long Đại là nơi đóng quân của đơn vị cầu phao, đơn vị bệnh viện, đơn vị pháo, đơn vị thanh niên xung phong… Các đơn vị này đều tổ chức kết nghĩa với lực lượng dân quân để khi xảy ra chiến đấu, có lệnh thì dân quân thanh niên xung phong lên đường hỗ trợ. Cụ Nguyễn Viết Thỉ (78 tuổi) kể, 19 thanh niên xung phong hy sinh tại đây đều do lực lượng dân quân thanh niên xung phong mai táng. “Dù các liệt sĩ nằm xuống không còn nguyên vẹn, chúng tôi cũng cố gắng hết mình để chôn cất các đồng chí nguyên vẹn”, cụ Thỉ kể.
Năm 1972, khi lực lượng bị thiệt hại lớn, các đơn vị bộ đội đã thay đổi kế hoạch chiến đấu. Một nửa quân số chiến đấu, một nửa về làng Long Đại để bảo toàn lực lượng. Bấy giờ, trong mỗi nhà của người dân Long Đại đều phải đào hai hầm, mỗi hầm ở xen kẽ bộ đội và dân làng để nuôi quân, để nếu bị đánh bom một hầm, thì hầm kế bên vẫn còn bộ đội và người nuôi quân. “Tình cảm quân dân thật sự thắm thiết. Chúng tôi nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc họ như người trong gia đình. Ngày ấy, dù chúng tôi không bước ra khỏi lũy tre làng bao giờ, nhưng lại có cảm giác được đi rất nhiều nơi qua những câu chuyện của các anh bộ đội”, mệ Diệp nhớ lại.
Năm 1966 – năm Mỹ ném bom điên cuồng hòng chặn đứng con đường huyết mạch Trường Sơn đoạn phà Long Đại, phà bị chìm, nhiều xe vận tải chìm dưới sông. Tối đó, gần 30 người làng Long Đại đi cứu phà, cứu xe, cứu lương thực và cố gắng vớt phà đưa đi giấu trên Rào Đá. Bom đạn làm sóng nước nổi dữ dội, anh chị em ngụp lặn trong nước. Trong những nỗ lực cuối cùng kéo phà vào bờ, một quả bom rơi xuống. Mọi người kịp nhảy ra khỏi phà, duy chỉ có bà Phan Thị Bán và Nguyễn Thị Tuế vẫn còn vướng trên phà, chỉ kịp ẩn dưới gầm phà.
Trong cuộc cứu vớt phà lịch sử đó, chiến sĩ Bảng (Lệ Thủy, Quảng Bình) là bộ đội lái ca nô cứu gần 30 quân dân của Long Đại vào bờ an toàn. Trong khi quay lại cứu hai o thanh niên xung phong bị kẹt trên phà, chiến sĩ Bảng đã bén duyên với o Phan Thị Bán. Họ đã bên nhau, cùng bước qua gần 10 năm bom đạn ác liệt và đã có một đám cưới giản dị. Và điều may mắn, là chiến tranh đã không chia lìa đôi uyên ương này. Sau chiến tranh, o Phan Thị Bán đã theo chồng về Lệ Thủy.
Bom đạn Mỹ đã khiến hàng nghìn người nằm lại mảnh đất Quảng Bình. Có những cuộc tình, chỉ vừa mới nhen nhóm, đã vội âm dương cách biệt. Bà Phan Thị Thuật kể cho chúng tôi nghe về cuộc tình đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi của của anh bộ đội tên Thanh và o thanh niên xung phong Tâm. Chiến sĩ Thanh (quê Thanh Hóa) có nhiệm vụ làm quan trắc địa tại Long Đại. Trong khi đang đào hầm, anh bị bom vùi lấp. May mắn cho anh, mũ chụp đồng đã giúp anh cho anh có thể thở thoi thóp để chờ đồng đội cứu. Sau hai giờ đào bới, anh được tìm thấy trong tình trạng ngạt thở, được cấp cứu kịp thời. Vậy là dân quân Long Đại đã “sinh” ra anh lần thứ hai. Và từ đây, anh nảy nở tình yêu với o thanh niên xung phong Tâm. Nhưng cuộc tình đẹp đẽ vừa mới chớm, o Tâm đã nằm lại đất mẹ sau một trận bom Mỹ.
Gần 44 năm sau ngày đất nước thống nhất, đến giờ, dù ở độ tuổi đã bên kia sườn dốc cuộc đời, những cựu thanh niên xung phong, dân quân thanh niên xung phong ngày nào vẫn tiếp tục làm việc của “người chỉ đường” cho người nhà của các liệt sĩ.
Bà Phan Thị Diệp (65 tuổi) trẻ nhất trong Hội cựu dân quân làng Long Đại kể, năm 1972, địch bắn trúng khẩu đội pháo 57. Một khẩu đội hy sinh cả năm đồng chí, một khẩu đội khác cũng bị bom văng trúng, hất văng cả năm chiến sĩ ra xa, bị thương. Dân quân thanh niên xung phong Long Đại đã chăm sóc, vận chuyển các đồng chí để chờ máy bay đưa họ ra Bắc để dưỡng thương.
“Đồng chí Phong (quê Hải Phòng) vì muốn tiếp tục đi chiến đấu nên đã quay trở lại. Dọc đường đi, anh hỏi thăm tên tuổi, nhà của tôi và đã tìm về thôn Long Đại. Do đơn vị anh bị bom đạn chết hết, pháo đã bị trúng bom vỡ tan nên anh nán lại Long Đại để chờ pháo từ bắc chuyển vào”, bà Diệp kể.
Không lâu sau khi nhận bàn giao pháo để lên đường, anh Phong đã hy sinh. “Nếu anh ấy chịu ra bắc thì đã sống”, bà Diệp lén lau nước mắt.
Trong những lá thư gửi về quê nhà, anh Phong có kể về o thanh niên xung phong tên Diệp với tất cả sự yêu thương trìu mến. Lần theo địa chỉ của lá thư, 15 năm sau, gia đình đồng chí Phong đã tìm về Long Đại gặp bà Diệp với một tâm nguyện được thắp nén hương tưởng nhớ tại chính nơi đồng chí đã ngã xuống. “Chúng tôi nhớ hết vị trí các đồng chí đã nằm lại ở mảnh đất Long Đại, Hiền Ninh này và cũng tận tay chôn cất các anh nguyên vẹn”, bà Diệp kể.
Sau giải phóng, nhiều người tìm về Long Đại. Những chiến sĩ năm nào về thăm các mệ, các o đã từng thổi cháo, đào hầm, chăm nuôi trong những ngày tháng gian khổ. Và giờ đây, những thân nhân của các liệt sĩ năm nào, cũng vẫn hằng năm tìm về để các mẹ, các o với người dân làng Long Đại. Nhiều người đã gọi các mẹ là mẹ của mình để phụng dưỡng khi còn sống và hương khói khi đã khuất.
60 năm sau khi Mỹ ném quả bom đầu tiên bắn phá miền Bắc bến phà Long Đại, Quảng Bình, những con người nơi đây giờ đã bước sang tuổi xế chiều, người mất, người còn, người thương tật. Cũng như bà Diệp, bà Thuật… các bà ở đây mỗi năm lại đi thắp hương cho các anh linh Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang ba lần vào các dịp Tết Nguyên đán, 27-7 và 2-9. Họ thuộc hết tên các liệt sĩ nằm tại đây, để tiếp tục làm người chỉ đường cho thân nhân của họ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhiều người đã khuất núi, nhưng người còn sống thì có người được hưởng chế độ, có người không. Cụ Thỉ (78 tuổi) chỉ vào bà Tuất (65 tuổi) và bà Diệp (65 tuổi) và bảo, cũng như hai o này, ở làng Long Đại, còn khoảng 20 cựu dân quân thanh niên xung phong hiện chưa có chế độ, chỉ bởi vì tình nguyện đi làm thanh niên xung phong, dân quân thanh niên xung phong khi chưa đủ 18 tuổi. “Không ít thiếu niên quân quả cảm của làng Long Đại chúng tôi xung phong đi làm cách mạng khi chỉ mới 15-16 tuổi như bà Tuất, bà Diệp giờ đây rất thiệt thòi khi chưa được Nhà nước công nhận, ghi công tặng thưởng Huân chương chống Mỹ”, cụ Thỉ chia sẻ.
Người dân Long Đại cũng có nguyện vọng được tôn tạo lại các di tích lịch sử đình làng đã bị bắn phá dữ dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ cũng đã chờ đợi suốt nửa thế kỷ qua, được lập một di tích lịch sử mang tên “Bến đưa quân” tại điểm đưa bộ đội qua sông ở bến phà Long Đại, để nhắc nhở với con cháu của Long Đại về một thời chiến đấu quả cảm, gan dạ ở chiến tuyến, vững vàng ở hậu phương của thế hệ cha ông.
Và một điều khao khát lớn lao vẫn hằn sâu trong tâm trí của những cựu thanh niên xung phong, dân quân thanh niên xung phong anh hùng năm nào là trong những năm tháng cuối đời, họ được một lần ra thăm Lăng Bác, để được báo công với Người về chiến công của những người con Long Đại đã kiên trung bám làng, nuôi quân, bảo đảm thông suốt con đường huyết mạch vận tải Bắc - Nam được trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.