Chuyến thăm hàn gắn lòng tin

Trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp ở cấp nhà nước, chuyến thăm dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đánh giá là mang ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình củng cố lại quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Pháp Macron gặp người đồng cấp Mỹ Biden vào tháng 10/2021. Ảnh: CNN
Tổng thống Pháp Macron gặp người đồng cấp Mỹ Biden vào tháng 10/2021. Ảnh: CNN

Ngày 26/9 vừa qua, CNN dẫn lời Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron vào ngày 1/12 tới trong khuôn khổ chuyến công du cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Pháp tới Mỹ. Phát biểu ý kiến trước báo giới tại Nhà trắng, bà Jean-Pierre nêu rõ, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Macron sẽ nêu bật mối quan hệ sâu sắc và bền vững giữa Mỹ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ.

Đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài tới Mỹ kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề này, bà Jean-Pierre nhấn mạnh, Mỹ hết sức coi trọng mối quan hệ với Pháp. Theo bà, mối liên kết giữa hai nước được tạo dựng trên cơ sở các giá trị chung, các mối quan hệ kinh tế cũng như hợp tác quốc phòng và an ninh.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Macron sẽ củng cố mối quan hệ sâu sắc và bền vững với Mỹ, bao gồm “hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh”. Tuần trước, ông Biden và ông Macron đã có cuộc gặp tại New York (Mỹ) bên lề Khóa họp 77 của Đại Hội đồng LHQ. Hai nhà lãnh đạo cũng đã có nhiều cuộc trao đổi trong hơn một năm qua.

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc khi năm ngoái, Mỹ thành lập liên minh an ninh với Anh và Australia (AUKUS) mà không tham vấn các đồng minh châu Âu, dẫn tới việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp. Pháp đã phản ứng mạnh đối với động thái này, theo đó đã triệu hồi các đại sứ nước này tại Canberra và Washington. Tuy nhiên, căng thẳng đã lắng dịu khi Pháp nổi lên như một đối tác chủ chốt của Mỹ tại châu Âu trong phản ứng đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đến nay, sự hợp tác giữa Mỹ và Pháp càng trở nên không thể thiếu do hai bên đều liên quan những cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine, ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như tăng cường hợp tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và các thách thức đến từ Trung Quốc.

Chuyến thăm Mỹ sắp tới của nguyên thủ Pháp cũng sẽ đặt dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác về an ninh năng lượng, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt và xăng dầu cho châu Âu đang ngày càng thiếu hụt do bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến năng lượng giữa Nga và “lục địa già”. Nhằm đáp ứng nhu cầu của châu Âu, Mỹ đã thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ hiện là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Xuất khẩu khí đốt trung bình hằng ngày của “xứ cờ hoa” đã tăng 12% trong sáu tháng qua, lên tới hơn 300 triệu m3 mỗi ngày. Anh và EU đã thay châu Á trở thành đối tác nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ, chiếm tới 71% lượng xuất khẩu của nước này nhờ mạnh tay chi ra các khoản tiền lớn.

Tuy nhiên, mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3/2022 đã cam kết xuất khẩu nhiều LNG hơn sang châu Âu, nhưng ngành công nghiệp này đã đạt công suất tối đa. Bên cạnh đó, do phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí đốt từ Nga, phần lớn châu Âu thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp cho nhập khẩu khí đốt từ những nguồn khác, ngay cả khi Mỹ có thể xuất khẩu nhiều LNG hơn. Vì thế, trong chuyến thăm Mỹ tới đây, ông Macron cũng sẽ cùng người đồng cấp Biden thảo luận tìm cách tháo gỡ nút thắt cho vấn đề này.

Ngoài ra, một loạt thách thức toàn cầu cũng đang ngày càng đòi hỏi sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Pháp và Mỹ, đặc biệt trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Bởi vậy, chuyến thăm vào tháng 12 tới của Tổng thống Macron không chỉ cho thấy tín hiệu hòa giải, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận về hàn gắn lòng tin cũng như thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.