“Thời vận” của ngành xây dựng

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển hạ tầng và Quy hoạch đô thị, kể từ giữa năm 2018 đến nay, tốc độ phát triển của mảng xây dựng xây lắp và hạ tầng giảm mạnh với tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2018 - 2019 chỉ đạt 9,2 - 9,5%.

Dễ dàng nhận thấy những khó khăn điển hình mà doanh nghiệp (DN) xây dựng phải đối diện tại thời điểm này là sự cạnh tranh quyết liệt trong ngành, thị trường bất động sản chững lại, sự mất cân đối tổng nợ trên vốn khả dụng đặc biệt là khoản phải thu trên tổng tài sản gia tăng, chi phí vốn vay tăng mạnh bào mòn lợi nhuận dẫn đến hiệu quả kinh doanh của các DN giảm sút. Những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của DN có thể kể đến tốc độ giải ngân vốn Nhà nước chậm, tiến độ của các dự án sử dụng vốn đầu tư công bị hoãn hoặc bị đội chi phí…

Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường chứng khoán (TTCK) và nhóm cổ phiếu ngành xây dựng xây lắp đã giảm giá sâu, thậm chí rất sâu dưới mức giá trị sổ sách của DN. Tuy vậy, với mức giá hấp dẫn như hiện tại, nhà đầu tư có thể xem xét triển khai kế hoạch đầu tư tài chính trong thời gian tới, “trông giỏ bỏ thóc” vào nhóm ngành này nhằm đón đầu sự tác động tích cực từ gói hỗ trợ của Chính phủ và những động thái đẩy mạnh đầu tư công với hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình công nghiệp quy mô lớn được đẩy nhanh đầu tư.

Theo các công ty nghiên cứu bất động sản, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh theo đà tăng của nguồn vốn đầu tư FDI. Bên cạnh đó, dù tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở các tỉnh trọng điểm đang tăng nhanh, quỹ đất dành cho công nghiệp của Việt Nam vẫn còn dồi dào.

Đánh giá về tổng quan ngành xây dựng và phát triển hạ tầng, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán dầu khí (PSI) cho biết: “P/E của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay đã giảm về mức rất thấp hơn cả giai đoạn 2016, xuống còn khoảng 3 đến 5, trong khi hệ số này trung bình trước đây khoảng 10 - 12. Đây chính là những cơ hội vàng để đầu tư các cổ phiếu tốt ngành xây dựng hạ tầng”.

Rõ ràng, sự tác động từ chính sách đã tạo nên một cuộc đua mới trên thị trường. Gần đây nhất, “ông lớn” Vingroup cho thấy, đã chủ động nhập cuộc với mảng đầu tư bất động sản công nghiệp thông qua động thái đổi tên Vingroup Ventures thành Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes. Với bước đi này, Vingroup đã sẵn sàng để lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, đón đầu lĩnh vực hấp dẫn này và phát triển thêm nguồn doanh thu.

Một cái tên đáng chú ý khác là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), mặc dù nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản bị giảm sút nhiều nhưng lãnh đạo công ty vẫn tiếp tục các hoạt động mở rộng thị trường, tham gia dự thầu nhiều dự án bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và nước ngoài với tổng giá trị đang dự thầu hiện nay lên đến hơn 26.000 tỷ đồng.

Trong bức tranh chung có nhiều gam mầu xám do tác động của dịch bệnh, vẫn còn những điểm sáng xứng đáng để trông đợi. Bằng việc dẫn hướng chính sách đến “nuôi dưỡng” DN vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ cũng đang tạo nên nền tảng chắc chắn để triển vọng tăng trưởng trong năm 2020 vẫn ở mức kỳ vọng.