SOS rủi ro thiên tai

Bão lũ đang hoành hành ở miền trung những ngày này đáng buồn thay lại trở thành bằng chứng mới nhất cảnh báo về một xu hướng đáng lo ngại. Rủi ro thiên nhiên, vốn đã rất nguy hiểm, đang trở nên nặng nề hơn do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu (BÐKH).

Báo cáo "Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển", kết quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thiên tai, vừa được công bố mới đây đã đưa ra những con số đáng giật mình. Theo đó, ước tính 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% số nhà ở đang ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP - và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng (CSHT) và các cơ sở công cộng cũng đứng trước nguy cơ này. Ngập lụt nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% số các trường học trong khu vực. Hơn một phần ba lưới điện của Việt Nam đi qua địa hình rừng núi, chịu nguy cơ bị hư hỏng khi có bão đổ bộ.

Từ khá sớm, Việt Nam đã xây dựng chương trình quản lý rủi ro và đạt được nhiều tiến bộ trong thập niên qua. Tuy vậy, báo cáo nói trên vẫn chỉ ra những thách thức đáng kể mà chương trình này phải đối mặt. Ðó là sự rời rạc và thiếu các thông tin về rủi ro. Hay các quy định liên quan như quy hoạch không gian, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống CSHT được thực thi kém hiệu quả. Vậy nên có tình trạng hai phần ba hệ thống đê biển hiện không đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn theo quy định… Rõ ràng, đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn bảo đảm khả năng chống chịu với các cú sốc thiên nhiên và BÐKH.

Vậy muốn đầu tư để nâng cao khả năng thích ứng, cần phải bắt đầu từ đâu và theo cách nào? Có đến năm lĩnh vực chiến lược mà báo cáo nói trên khuyến nghị đến Việt Nam. Trước hết, cần cải thiện các công cụ dữ liệu và khả năng ra quyết định thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai và hệ thống quản lý tài sản đối với các CSHT quan trọng. Thứ hai, cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian dựa trên thông tin sẵn có tốt nhất. Thứ ba là tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống CSHT và dịch vụ công bằng cách nâng cấp các công trình này tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất và ít được bảo vệ, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn an toàn hiện có. Tận dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên bằng cách khai thác khả năng bảo vệ và đóng góp phát triển kinh tế của hệ sinh thái một cách có hệ thống là gợi ý tiếp theo. Và cuối cùng, nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó thiên tai bằng cách nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực ứng phó của địa phương, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện phân bổ ngân sách rủi ro toàn diện.

Ðường bờ biển dài hơn 3.000 km với khu vực ven biển trù phú mang lại sinh kế cho khoảng 47 triệu người dân, tương đương với một nửa dân số trên cả nước vốn là lợi thế của chúng ta. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới, bởi đây là con đường phát triển bền vững, là lựa chọn không thể khác.

Vũ Minh