Ngon, đẹp vẫn chưa đủ

Từ ngày 23/11, nhiều loại nông sản của Việt Nam khi vào châu Âu sẽ bị tăng tần suất kiểm tra từ 10% đến 50%. Đây là quy định vừa được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành liên quan tới kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Động thái này không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ việc trong một thời gian ngắn, liên tục có hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam bị phát hiện vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập khẩu vào thị trường này.

Để giữ thị trường xuất khẩu, người sản xuất và doanh nghiệp cần đặt chất lượng uy tín lên hàng đầu. Ảnh minh họa
Để giữ thị trường xuất khẩu, người sản xuất và doanh nghiệp cần đặt chất lượng uy tín lên hàng đầu. Ảnh minh họa

Chiếu theo quy định mới, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với rau mùi ta, rau mùi tây, húng quế, bạc hà, đậu bắp và hạt tiêu tươi nhập khẩu từ Việt Nam là 50%. Với thanh long từ Việt Nam, sẽ là 10%. Tất cả các loại rau quả có trong danh sách tần suất kiểm tra cao đều là đồ tươi sống, dễ hỏng, phải giữ mát liên tục.

Nếu nông sản còn bị liệt kê trong danh sách phải tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam phải chịu mất thêm thời gian thông quan, gánh nặng phí kho bãi, cho tới khi tình hình được cải thiện và mặt hàng được đưa ra khỏi "danh sách đen". Cũng phải lưu ý rằng, Việt Nam không phải là nước duy nhất cung cấp được những nông sản này. Vậy nên, trong trường hợp, nếu tần suất kiểm tra được nâng lên, các nhà nhập khẩu sẽ cảm thấy rủi ro và tìm cách chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác.

Không chỉ nông sản, trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất ethylene oxide là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Trong danh sách thu hồi ba sản phẩm, có mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, hạn sử dụng đến ngày 24/9/2022) và miến Good (56g, hạn sử dụng đến ngày 10/11/2022) là của Công ty Acecook Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết đã giúp nông, thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh. Tính từ khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, quá trình đàm phán kéo dài gần 10 năm. Nhắc lại để thấy, chúng ta đã vất vả, nỗ lực như thế nào để có được những ưu đãi ở một thị trường nhiều triển vọng nhưng cũng đầy sức ép cạnh tranh.

Là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản trọng điểm của Việt Nam, nhưng EU cũng là một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao hàng đầu thế giới, áp đặt những quy định ngặt nghèo nhất thế giới về dư lượng hóa chất trong thực phẩm. Do đó, nếu không có các giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng; người sản xuất không tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn sản phẩm; doanh nghiệp không giữ chữ tín, không đặt chất lượng lên hàng đầu, còn chậm chân trong việc cập nhật danh sách các chất cấm trong nông sản của thị trường nhập khẩu dẫn đến việc hàng hóa bị tuýt còi, thì dù có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do được ký, chúng ta vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ thị trường xuất khẩu, không phát huy được lợi thế của các hiệp định thương mại. Mỗi khi để mất thị trường, thiệt hại là rất lớn.