Lại gặp khó vì kiểm dịch

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để phản ánh về những bất cập trong quy định liên quan hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm khi nhóm sản phẩm này bị áp vào danh mục kiểm dịch.

VASEP phản ánh về nhiều bất cập trong quy định liên quan hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Ảnh: TTXVN.
VASEP phản ánh về nhiều bất cập trong quy định liên quan hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Ảnh: TTXVN.

VASEP cho rằng, hoạt động kiểm tra nhà nước đối với hàng thủy sản nhập khẩu được thực hiện theo các quy định tại các thông tư về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm Thông tư 26/2016; Thông tư 36/2018; Thông tư 11/2021 là chưa đúng bản chất của hoạt động kiểm tra này với nhóm sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm.

Với các thông tư nêu trên, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa "sản phẩm động vật" thủy sản (dưới dạng: đông lạnh, hàng khô, nấu chín, ăn liền…; chủ yếu là chế biến đông lạnh) vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch khiến quy mô, số lượng lô hàng phải kiểm dịch rất lớn khi gần như 100% số container hàng phải kiểm tra trước khi thông quan.

Thực tiễn cho thấy, đang có sự khác biệt trong chính quy định kiểm tra thủy sản xuất khẩu và thủy sản nhập khẩu cũng như trong kiểm tra sản phẩm thủy sản nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Cụ thể, cùng trong một hệ thống kiểm tra chuyên ngành sản phẩm thủy sản (dùng làm thực phẩm) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng quy định hoạt động kiểm tra đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu lại hoàn toàn khác nhau cả về tên gọi và cách thức thực hiện.

Không chỉ bất cập từ thực tiễn, VASEP đã chỉ ra một loạt bất cập về mặt pháp lý. Theo đó, đã có sự mở rộng khái niệm "sản phẩm động vật" ở các văn bản dưới luật so với Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm, khi trong các văn bản dưới luật, khái niệm "sản phẩm động vật" đã được mở rộng quá mức so với quy định tại Luật Thú y và mâu thuẫn với Luật An toàn thực phẩm khiến nhiều sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm đều được đưa vào diện kiểm dịch.

Đặc biệt, các quy định này đang đi ngược lại các nghị quyết của Chính phủ, trong đó có quyết nghị ghi rõ việc rà soát, sửa đổi nội dung kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, phân biệt kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Từ năm 2010 đến nay, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch tăng dần, đồng thời thủ tục kiểm dịch tại khâu nhập khẩu vừa phải làm online, vừa phải nộp hồ sơ giấy khiến thời gian chờ kết quả thông quan kéo dài, đẩy chi phí thông quan của doanh nghiệp bị gia tăng.

Theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, việc duy trì mở rộng các đối tượng, danh mục "hàng chế biến" làm thực phẩm phải kiểm dịch được quy định tại ba thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ, với quy định pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.