Ði tìm “cứu tinh”

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động sâu sắc từ dịch Covid-19, đầu tư công đang nổi lên như một vị “cứu tinh” có thể giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Ðó là bởi, đầu tư công có thể cùng lúc giải quyết được nhiều mục tiêu như hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế, giải quyết vấn đề về hạ tầng, có tác động mạnh đến cả cung và cầu của nền kinh tế, bảo đảm được mục tiêu dài hạn về ổn định vĩ mô và phát triển bền vững.

Tính toán của Tổng cục Thống kê càng củng cố cho nhận định này khi đưa ra con số, nếu vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1%, sẽ góp phần làm vốn ngoài nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm, đồng thời cũng sẽ giúp GDP tăng thêm được 0,06 điểm phần trăm. Người đứng đầu của cơ quan này, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đưa ra dự báo, năm 2020, Việt Nam sẽ giải ngân được 93% kế hoạch. Nếu giải ngân hết 100% số vốn kế hoạch, thì chỉ 7 điểm phần trăm tăng thêm đó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm được hơn 0,42 điểm phần trăm. Ðấy là còn chưa tính đến những tác động lan tỏa của vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Bàn luận về con số mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam nên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, vì nếu giải ngân thêm được 10% vốn đầu tư công, sẽ làm tăng thêm 1,5% tỷ lệ vốn đầu tư công trên GDP và sẽ có tác động đủ lớn cho nguy cơ tổn thất GDP.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, Chính phủ luôn nhấn mạnh đến vai trò của đầu tư công, như một giải pháp hữu hiệu và trong tầm tay. Thế nhưng, cũng tồn tại một thực tế khác, đó là theo số liệu thống kê, nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hằng năm, thậm chí năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước.

Ở thời điểm mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy ở cả hai chiều cung lẫn cầu, vốn đầu tư của tổng chi tiêu từ doanh nghiệp và người dân giảm sút và các ngành công nghiệp, nông nghiệp hay du lịch đều cần có thời gian để hồi phục sau dịch bệnh, chúng ta càng cần phải khơi thông dòng vốn đầu tư công, chữa trị căn bệnh “có tiền mà không giải ngân được”. Thông tin mới nhất, dự kiến Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công vào cuối tháng 4 tới. Ðây cũng là một trong những động thái nhằm thực hiện Chỉ thị số 11 ra ngày 4-3 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh ứng phó dịch Covid-19.

Ðiểm nổi bật trong Chỉ thị số 11, đó là một loạt giải pháp được nêu ra, bao gồm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch lẫn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, như đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… Biện pháp chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công đối với một số dự án cũng đã được tính đến và các cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai các giải pháp này trong thực tế.

Tuy nhiên, để Chỉ thị 11 đi vào đời sống, đòi hỏi sự nhập cuộc mạnh mẽ của tất cả các cơ quan chức năng, của từng vị trí công chức… theo hướng làm sao để quá trình xem xét và ra quyết định thật nhanh gọn, vướng mắc chỗ nào phải tháo gỡ ngay lập tức. Cần phải coi việc chặn đà suy giảm của nền kinh tế như một nhiệm vụ cấp bách, không khác gì việc chống lại thứ dịch bệnh trì trệ đã được Thủ tướng Chính phủ gọi tên.