Hòa giải thời @

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 15% và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo. Đại dịch Covid-19 đang là một “biến số” khó đo lường bởi tính chất hai mặt của nó. Con vi-rút khiến cho toàn cầu lao đao này cũng là tác nhân bất ngờ giúp cho việc số hóa các chuỗi cung ứng càng được kích hoạt mạnh mẽ.

Mới đây, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra mắt nền tảng hòa giải trực tuyến có tên MedUp. Là một trong số ít các nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến tại Việt Nam tính tới thời điểm này, MedUp giúp cho việc giải quyết tranh chấp trở nên thuận tiện hơn nhờ vào những ưu điểm vượt trội về thời gian xử lý, chi phí giảm đáng kể. Thông qua ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, VIAC hướng đến việc đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C, bao gồm các tranh chấp tín dụng, các tranh chấp thông qua sàn thương mại điện tử) thông qua hòa giải trực tuyến, sau đó sẽ tiến tới tất cả các tranh chấp thương mại trong mọi lĩnh vực ngoài thương mại điện tử.
 
 Tiệm cận với trọng tài thương mại, được biết đến là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nổi lên và nhận được sự ủng hộ tích cực trong thời gian gần đây, nền móng đầu tiên của hòa giải thương mại tại Việt Nam đã được tạo dựng với quy định mới về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án tại Chương 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định về Hòa giải thương mại. Tuy vậy, chặng đường phía trước của những “người khai phá” con đường đưa hòa giải trở thành lựa chọn của các bên liên quan tranh chấp cũng không hề dễ dàng bởi Việt Nam còn thiếu cả điều kiện cần và đủ cho việc triển khai phương thức giải quyết tranh chấp tiến bộ này.
 
 Muốn thúc đẩy hòa giải trực tuyến, không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, trực tiếp nhất là Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện khung pháp lý về giải quyết tranh chấp online. Bên cạnh đó, sẽ cần đến sự hội tụ của các yếu tố như sự nỗ lực của các tổ chức có tiềm năng cung cấp giải pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến và sự cởi mở trong quan điểm, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các nhóm người dùng tiềm năng.
 
 Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Hãy thử tưởng tượng, nếu hòa giải trực tuyến mang lại trải nghiệm hữu ích cho người dùng thì sẽ có bao nhiêu người lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này? Hẳn sẽ là con số không nhỏ, và nhờ thế, có thể giúp các bên tranh chấp duy trì được quan hệ kinh doanh và làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta đang quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Khơi thông cho hòa giải trực tuyến phát triển, đó hẳn là một sự lựa chọn sáng suốt, tận dụng được giai đoạn vàng của chuyển đổi số như khuyến nghị của các chuyên gia đã đưa ra.