Giáo trình viễn thông

Thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục phải đưa ra cảnh báo về các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Mới nhất, Cục Viễn thông lên tiếng xác nhận thực hư về những cuộc gọi lừa đảo mang đầu số nước ngoài - một tệ nạn tiêu biểu trong thời đại bùng nổ thông tin.

Theo Cục Viễn thông, trên mạng xã hội lan truyền các cảnh báo về những cuộc gọi hoặc nháy máy từ các đầu số nước ngoài như +375 (Belarus); +371 (Lativa), +381 (Serbia), +563 (Valparaiso), +370 (Vilnius), +255 (Tanzania)... Theo những luồng thông tin cảnh báo này, nếu gọi lại, người nghe có thể bị sao chép danh sách liên hệ chỉ trong… ba giây. Thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng (nếu có) cũng bị sao chép. Đặc biệt, khi nhấn *#90 hoặc #09*, thẻ SIM của người nghe sẽ bị xâm nhập, làm gia tăng cước phí cuộc gọi. Thậm chí, người nhận các cuộc gọi có thể bị hiểu nhầm là có dấu hiệu… cấu thành tội phạm.

Cục Viễn thông khẳng định: Những thông tin trên là không chính xác. Tại Việt Nam, không có bất kỳ dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền (bao gồm cả cuộc gọi từ quốc tế). Trên thực tế, cũng là không thể có khả năng SIM điện thoại bị xâm nhập dù có thực hiện bấm *#90 hoặc #09*. Phía Cục cũng giải thích rất kỹ về tính "bất khả thi" của thông tin trên, đồng thời yêu cầu các nhà mạng trong nước liên tục triển khai biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo với mục đích lừa đảo.

Đơn cử, Cục đã và đang yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn FlashSMS/USSD để cảnh báo khách hàng nhận cuộc gọi từ quốc tế; khuyến cáo người dùng lưu ý các cuộc gọi, tin nhắn hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và hai số tiếp theo không phải là 84 (mã gọi trong nước). Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện, người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào…

Nhưng dù liên tục cảnh báo cuộc gọi giả mạo, tần suất khách hàng bị lừa vẫn gia tăng. Bởi, sự cả tin của người dùng xuất phát từ kiến thức về kinh tế số còn hạn chế. Khi thiếu hiểu biết về an toàn trên không gian mạng, việc dễ dàng bị lừa là điều khó tránh. Như vậy, chỉ cảnh báo thôi là chưa đủ hiệu quả.

Để tạo nên một nền kinh tế số an toàn cũng như tăng cường mức độ an ninh mạng, vấn đề then chốt là nâng cao nhận thức của người dùng. Ngoài việc yêu cầu các nhà mạng thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo, cập nhật các thông tin về các vụ lừa đảo, còn cần cả các tin nhắn có khả năng "giáo dục" người dùng tự bảo vệ thông tin và tài khoản cá nhân.

Vậy, nên chăng, Việt Nam cần thiết lập sự kết nối liên ngành giữa Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an)… có chức năng soạn thảo "giáo trình viễn thông" nâng cao nhận thức người dùng trên không gian mạng, trước mắt là những kiến thức cơ bản nhất để không bị đánh cắp thông tin cá nhân khi sử dụng thiết bị điện tử sau đó là cách "mã hóa" thông tin để tăng tính bảo mật? Cùng sự phối hợp đó, cũng có thể đề nghị các chuyên gia an ninh mạng tư vấn, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu để xây dựng hệ thống giáo án phù hợp nhất; yêu cầu các nhà mạng liên tục gửi các bài giảng này đến người dùng.

Chỉ khi kiến thức về công nghệ viễn thông được nâng cao, người dùng mới không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo công nghệ thời 4.0.