Giảm áp lực… nợ xấu

Nếu những cơ chế, chính sách thí điểm nợ xấu không được tiếp tục triển khai, tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42). Khi đó, dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Được biết, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so thời điểm nghị quyết này có hiệu lực (ngày 15/8/2017).

Dẫn ra con số thực trạng nợ xấu nói trên tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị kéo dài thời điểm thực hiện Nghị quyết số 42. Bởi sau ngày 15/8/2022, thời điểm hết hiệu lực, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, đồng nghĩa không tiếp tục ưu tiên một số chính sách được quy định tại Nghị quyết số 42.

Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy như kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, ảnh hưởng hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Các tổ chức này thiếu nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất. Thêm nữa, sẽ không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; làm phát sinh những tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng do còn có sự bất cập, thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo lập luận của Thống đốc, việc kéo dài áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết số 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét đề nghị nói trên đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023. Nội dung này cũng sẽ được đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Việc phân tích thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại thời điểm ngày 31/12/2021 và kết quả xử lý nợ xấu, chú trọng phân tích các biện pháp xử lý như trích lập dự phòng rủi ro, mua bán nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, làm rõ các khoản nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT, lãi dự thu, sở hữu chéo… là hết sức cần thiết. Nhưng điều cốt yếu hơn cả vẫn là chiếc áo pháp lý cho vấn đề này cần phải được sớm hoàn thiện. Về điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 42, thời gian xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm để thay thế Nghị quyết số 42.

Nợ xấu vốn được coi như "máu đông" làm nghẽn tắc và có thể gây tê liệt cho nền kinh tế. Vậy nên, kéo dài tuổi thọ của một nghị quyết chỉ là giải pháp tình thế, còn xét dài hạn, vẫn cần phải chú trọng cái gốc lập pháp.