Đừng chỉ nóng theo mùa

Những hình ảnh các điểm đến nghẹt cứng du khách trên phương tiện truyền thông những ngày gần đây cho thấy sự hồi phục ngoạn mục của ngành du lịch sau hai năm dồn nén bởi dịch bệnh. Những con số thống kê của Tổng cục Du lịch tưởng như khô khan cũng mang sức nóng khi 5 tháng đầu năm đã có tổng cộng 48,6 triệu lượt khách nội địa và 365.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu của toàn ngành du lịch trong khoảng thời gian này ước đạt 211.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ đến cuối năm.

Lạc quan hơn nữa, thông tin từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Đứng đầu danh sách từ khóa là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Huế, Hội An. Lượng khách từ Hàn Quốc và Mỹ du lịch đến Việt Nam nhiều nhất, theo sau đó là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Dẫu vậy, hiện tượng quá tải du lịch cũng mang lại những trải nghiệm tiêu cực cho cả khách tham quan lẫn người dân địa phương.

Phân tích kỹ hơn sẽ thấy nghịch lý giữa tỷ lệ lấp đầy phòng vào mùa cao điểm so với mùa thấp điểm hoặc giữa cuối tuần và ngày trong tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phòng lưu trú trên cả nước là 650.0000 phòng, bao gồm khách sạn 3-4-5 sao, căn hộ và biệt thự du lịch, nhưng công suất phòng trung bình chỉ đạt khoảng 52%. Điều này cho thấy, nếu không sớm có giải pháp "dẫn dòng" thúc đẩy du lịch trái mùa, sự tăng trưởng nóng trong những mùa cao điểm có thể mang lại những tác động ngược đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp không khói cũng như của các địa phương.

Việt Nam có tiềm năng để khai thác một số xu hướng như du lịch tại chỗ; tổ chức sự kiện doanh nghiệp kết hợp du lịch (MICE); du lịch kết hợp sự kiện thể thao… có thể tạo được sự cân bằng cần thiết để điều hòa dòng khách trong các thời điểm và các địa điểm nhằm giảm bớt áp lực cho hạ tầng du lịch. Ngoài ra, những hình thức đang nổi lên như du lịch đánh golf và mô hình du lịch đám cưới kết hợp với trăng mật… cũng mang lại cơ hội gia tăng nguồn thu lớn hơn.

Đơn cử với MICE, dù là thị trường ngách nhưng Tổ chức Du lịch thế giới đã dự báo đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt khoảng hơn 1.400 tỷ USD. Hay như với loại hình du lịch kết hợp sự kiện thể thao, chỉ tính hai quý đầu năm nay đã chứng kiến các giải chạy nối đuôi nhau tổ chức mỗi cuối tuần ở nhiều địa danh khác nhau, quy tụ hàng nghìn đến chục nghìn vận động viên tham gia từ mọi miền đất nước. Mới đây, theo Tổng cục Thống kê, sự kiện SEA Games 31 đã thành công trong việc thu hút nhiều đoàn khách quốc tế và nội địa đến tham quan và theo dõi các trận đấu, đóng góp doanh thu cho ngành du lịch…

Thị trường nội địa vẫn còn dư địa lớn, đã đến lúc ngành du lịch và khách sạn cần tính đến chiến lược không mang tính mùa vụ mà thật dài hơi và đa dạng. Đó là lựa chọn mang lại nguồn thu quý giá và bền vững cho nền kinh tế đang căng mình lấy lại đà tăng trưởng.