Đối mặt sóng khủng hoảng

Trong chuyến công du tới Hoa Kỳ gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt để kiến tạo một không gian phát triển bền vững, theo chiều sâu và hạnh phúc, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho những thế hệ mai sau. Chính phủ cũng đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. Một trong số đó là "Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước… Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo".

Ông Nguyễn Quang Vinh phát biểu khai mạc Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững (CSI) 2022.
Ông Nguyễn Quang Vinh phát biểu khai mạc Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững (CSI) 2022.

Vượt ra ngoài khuôn khổ của một chương trình đánh giá đơn thuần, bước sang năm thứ bảy, Chương trình Ðánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) đã góp phần tạo nên sự chuyển đổi từ nội lực một cách bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Theo đó, Bộ chỉ số CSI cũng trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quản trị doanh nghiệp bền vững, đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hằng năm, Bộ chỉ số CSI đều được cập nhật những điểm mới nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong việc nắm bắt các quy định mới. Năm nay, các chỉ số liên quan đến chống phân biệt đối xử, phát triển đa dạng, bao trùm, thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng quyền con người; kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp; chuyển đổi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được lồng ghép đậm nét và rõ ràng. Đơn cử như chỉ số mới về kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người, đây là một trong những yếu tố thiết yếu để tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, ổn định và bền vững.

Có gần 70% các chỉ số trong CSI liên quan việc tuân thủ pháp luật, một phần ba chỉ số còn lại mới liên quan các sáng kiến nâng cao. Điều đó cho thấy kinh doanh bền vững không phải điều gì cao siêu, mà chính nằm ở việc doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện theo đúng các chính sách và quy định của cơ quan quản lý. Để lan tỏa mạnh mẽ hơn "làn sóng" kinh doanh bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng, từ các cơ quan quản lý và đặc biệt từ chính mỗi doanh nghiệp.

Qua hai năm dịch bệnh dai dẳng, cộng đồng doanh nghiệp đã chiêm nghiệm rõ rệt hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Đó không chỉ là "kim chỉ nam" cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò là "cái neo" để trụ vững và là "bánh lái" để doanh nghiệp thích ứng, phục hồi khi đối mặt những "cơn sóng thần" khủng hoảng. Việc theo đuổi và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp giờ đây được thôi thúc bởi chính nhu cầu thực tiễn của thị trường.