Dễ thở hơn

Người lao động đã dễ thở hơn dù còn không ít khó khăn là thực tế đáng mừng được lãnh đạo Tổng cục Thống kê nêu lên trong cuộc họp báo về tình hình lao động và việc làm quý III và chín tháng năm 2020. 

Thống kê chính thức cho thấy, tính đến tháng 9-2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% số người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%). Lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch Covid-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%. 

Chia theo ngành, lao động trong một số ngành dịch vụ như vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Còn theo khu vực, lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 471,0 nghìn người so với quý trước và giảm 77,9 nghìn người so cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn, số người có việc làm tăng hơn 1,0 triệu người so với quý trước và giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. 

Cũng theo báo cáo trên, lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II-2020 cho thấy, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi. Lao động có việc làm tăng so với quý trước (tăng 1,5 triệu người) và tăng chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức, số người thiếu việc làm cũng tăng lên đáng kể. Số lao động có việc làm phi chính thức quý III-2020 là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so quý trước và tăng 149 nghìn người so cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%). Điều này cho thấy, sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững.

Tình hình tới đây vẫn rất khó đoán định, sự dễ thở của quý III chỉ là tương đối. Giải pháp kiến tạo thị trường lao động sẽ tùy thuộc vào việc gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, có được chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả hay không? Ngoài ra, đã đến lúc cần có các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức. Đi đôi với đó, trong các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, cần chú trọng đến chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động.