Của chìm, của nổi

Từ ngày 31-3 tới đây, gần bốn triệu cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước sẽ thực hiện cuộc "tổng điều tra" tài sản. Cho dù có đến tám cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành hoạt động điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhưng không khó để thấy khối lượng công việc là quá lớn, trong khi nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Vậy phải làm sao để cuộc tổng điều tra mang tính thực chất?

Kể từ sau Ðại hội XII, nỗ lực phòng, chống tham nhũng được thể chế hóa qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi (2018) và Nghị định 130/2020/NÐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ðiểm mấu chốt, nguyên tắc để giám sát cán bộ chặt chẽ hơn chính là yêu cầu cán bộ minh bạch về nguồn gốc tài sản của mình và người thân. Chế tài trong Nghị định 130 còn được nhìn nhận là nghiêm khắc. Tuy nhiên, thực thi thế nào vẫn cần có thêm những quy định mang tính chặt chẽ, cụ thể hơn nữa.

Cần phải nhắc lại rằng, những cuộc kê khai tài sản trước đó luôn có tỷ lệ sai phạm vô cùng ít ỏi. Ðơn cử như trong năm 2020, có hơn một triệu cán bộ thuộc diện kê khai nhưng chỉ có 10 trường hợp bị phát hiện là "có vi phạm", trong đó tám người bị kỷ luật. Giám sát "của nổi" đã khó, nói gì đến phát hiện ra "của chìm"!? Rõ ràng, tính răn đe để phòng, chống tham nhũng từ hoạt động kê khai tài sản thật khiêm tốn, như chính tỷ lệ 1/100 nghìn trường hợp nói trên.

Lần này, vẫn có những ý kiến lo ngại về khả năng phát hiện ngay lập tức những trường hợp vi phạm về phòng, chống tham nhũng bắt đầu từ kê khai, giám sát kê khai tài sản. Nhưng xét đến cùng, đây vẫn là việc cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc. Bởi, chỉ khi xây dựng được cơ sở dữ liệu tài sản của cán bộ chúng ta mới có được nền tảng để giám sát cán bộ trong suốt quá trình thực thi công vụ.

Dữ liệu thu về sẽ chỉ là những con số trên giấy tờ, không mang nhiều ý nghĩa, nếu như không có cơ chế công khai thông tin để vừa đáp ứng yêu cầu minh bạch, vừa bảo đảm quyền riêng tư của cán bộ. Theo quy định hiện hành, những thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ chủ yếu được công khai tại nơi công tác và trong cuộc họp bàn về nhân sự. Nếu ứng cử đại biểu Quốc hội, thông tin tài sản sẽ được chuyển đến cử tri xem xét. Về vấn đề này, Ðiều 11 của Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi (2018) còn đưa ra yêu cầu cao hơn nữa về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ khi yêu cầu công khai thông tin này trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.

Soi chiếu quy định vào khối lượng công việc thực tế, có thể thấy dữ liệu của bốn triệu cán bộ là quá lớn. Do đó, sẽ cần đến quy định chi tiết hơn về đối tượng cần phải công khai, minh bạch, mức độ công khai. Quy định công khai thông tin tài sản của ứng viên đại biểu Quốc hội có thể mở rộng đến các chức vụ trong bộ máy công quyền được người dân bầu ra. Chính sự tham gia của người dân, của các tổ chức đoàn thể sẽ tạo thêm kênh giám sát hiệu quả và thiết thực. Vấn đề cần thiết là làm sao mở rộng biên độ để cơ chế phòng, chống tham nhũng có sự tham gia tích cực hơn nữa từ phía người dân và các tổ chức, đoàn thể. Ðiều đó không chỉ mang lại tính hiệu quả cao cho công tác gian nan này mà còn góp phần xây dựng niềm tin trong dân chúng, đối với những người được họ tin tưởng lựa chọn và bầu ra.

Vũ Minh