Ðã chín muồi

Bộ Công thương đang hoàn thiện đề nghị xây dựng nghị định về hàng hóa “Made in Vietnam”, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong quý IV-2020. Tuy nhiên, vẫn có những tranh luận cho rằng, chưa cần thiết phải xây dựng nghị định này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, lúc này là thời điểm chín muồi để có được một quy định pháp lý cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, nhất là khi chúng ta đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ là vấn đề quan trọng nhất trong thời điểm này. Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không bảo đảm được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên hiệp châu Âu (EU) chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải mức thuế suất 0% trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bộ tiêu chí cần xác định rõ nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, vì cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Muốn xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cần căn cứ vào các yếu tố sau: Thứ nhất, cần xem xét về quy định trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết để quy định tỷ lệ cho phù hợp. Thứ hai, xem lại các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tỷ lệ, tổng kết quá trình áp dụng xem đã phù hợp chưa, nếu chưa phù hợp thì sẽ điều chỉnh. Thứ ba, xem xét về việc quy định tỷ lệ của các quốc gia khác, đã có kinh nghiệm về vấn đề này để tham khảo, phù hợp điều kiện Việt Nam. Thứ tư, cần đưa ra các tỷ lệ khác nhau cho các mặt hàng khác nhau, tránh việc đưa ra tỷ lệ thí dụ như 40% hay 50% cho tất cả các mặt hàng, các hàng hóa khác nhau có đặc thù khác nhau và cần tỷ lệ khác nhau. Việc xem xét toàn diện các yếu tố trên sẽ giúp ích cho việc xây dựng một tỷ lệ phù hợp.

Về mối quan hệ giữa xuất xứ hàng hóa và chất lượng hàng hóa, cần nhìn nhận rằng, xuất xứ hàng hóa từ mỗi quốc gia và chất lượng hàng hóa vốn không có sự liên quan mật thiết đến nhau. Tuy nhiên, yếu tố chất lượng khoa học công nghệ, trình độ sản xuất, chiến lược truyền thông quảng bá sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa,… là những mắt xích gắn liền hai khái niệm này lại với nhau. Do đó, để bảo đảm được thương hiệu quốc gia, cần phải bảo đảm thước đo là tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật - chất lượng quốc gia do Nhà nước ban hành. Ðồng thời, cần đẩy mạnh phát triển khả năng sản xuất hàng hóa của các nhà sản xuất cũng như nâng cao tiêu chuẩn cùng với kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng hàng hóa không chỉ đối với hàng hóa xuất khẩu mà cả hàng hóa tiêu dùng trong nước, như vậy mới có thể bảo đảm được thương hiệu quốc gia.

Giới kinh doanh đang mong mỏi nghị định về hàng hóa “Made in Vietnam” sớm được ban hành nhằm giúp cho doanh nghiệp có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực để hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA.