"Sức khỏe" người lao động

Kết quả điều tra lao động, việc làm quý II/2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, đưa ra những con số phản ánh sắc xám lan rộng trên bức tranh thị trường lao động. Tính trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó có 557 nghìn người bị mất việc (chiếm 4,4%); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh (chiếm 31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 34,1%) và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập (chiếm 66,4%).

Dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực so quý I, nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25 đến 54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 2,8% và 2,49%). Xét về khu vực kinh tế, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,8% (tương đương hơn 410 nghìn người).

Cũng trong quý này, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so quý trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so quý trước và tăng 547 nghìn đồng so cùng kỳ năm trước.

Ngày đầu tiên của tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Việc đưa ra 12 chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn được đánh giá là một quyết định kịp thời, hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại một thực trạng, đó là con số hết sức khiêm tốn trong giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020. Chính những điều kiện khắt khe đã khiến cho người lao động và doanh nghiệp không thể được tiếp cứu kịp thời.

Lúc này, sau khoảng thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, "sức khỏe" người lao động và doanh nghiệp đều đã suy giảm mạnh. Vậy nên, thông tin từ đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sẽ cắt giảm khoảng 60% thủ tục nhận hỗ trợ từ gói mới này đã tạo tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội.

Ngoài sự hỗ trợ mang tính cấp bách nói trên, để phục hồi thị trường lao động đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn, đi vào yếu tố cốt lõi. Ðó là làm sao kéo giảm được tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn, đối tượng gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm. Muốn vậy, chúng ta cũng cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm tham gia các lớp đào tạo nghề, việc làm. Nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối
cung - cầu lao động để góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Cần phải nhắc lại rằng, trong quý II/2021, cả nước có gần hai triệu thanh niên từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 16,7%). Vậy nên, việc chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, giống như đưa cho người lao động chiếc phao cứu sinh. Còn để họ bơi được vào bờ, lại cần đến những giải pháp toàn diện cho thị trường lao động.