Thử làm coi sao!

Mấy bữa nay, bên cạnh chuyện chống dịch, người dân thành phố còn rất quan tâm tới một chuyện nữa, mà cụ thể là...

- Là ở đâu?

- Chung quanh công viên bến Bạch Đằng ở quận 1 đang rất quan tâm tới chuyện...

- Di dời, đốn hạ nhiều cây xanh để cải tạo công viên, đúng không Tư?

- Là chuyện đó! Người ta lo là sẽ mất đi không gian xanh vỗn dĩ đã ít ỏi trong lòng thành phố.

- Một nỗi lo rất chính đáng!

- Tư tui không phải cư dân ở gần đó mà cũng thấy tiếc. Vì đó là nơi có hàng trăm cây cổ thụ lâu năm, tỏa bóng mát, cho nên nhiều người dân cũng như khách du lịch thường xuyên đến đó dạo mát, vui chơi và tập thể dục.

- Chú mầy không phải quảng cáo, anh Ba đây cũng đã nhiều lần đưa cả nhà đến đó dạo bộ, thư giãn.

- Cho nên...

- Nên sao?

- Với không ít người, đó không chỉ đơn thuần là khoảng không gian xanh mà còn là...

- Khung trời kỷ niệm!

- Anh Ba nói đúng ghê á! Thế nên họ rất chi là tiếc nuối và...

- Mong mỏi thành phố có thêm phương án khác phù hợp hơn mà vẫn giữ lại được mảng xanh?

- Chính xác!

- Vậy theo chú mầy, để giữ lại được mảng xanh thì phải thực hiện việc cải tạo công viên theo kiểu nào?

- Kiểu hài hòa giữa cũ với mới!

- Nghĩa là sao?

- Là như một cư dân ở đó đã đề xuất nên thiết kế công viên dựa trên vị trí cây xanh sẵn có, không nên đốn hạ hoặc di dời.

Đó là kiểu "đo ni đóng giầy". Là lấy số đo của bàn chân để đóng giầy cho vừa vặn chứ không phải đóng giầy rồi đi gọt chân cho vừa.

- Là kiểu chi cũng được, miễn là không phải đốn hạ hay di dời những cây cổ thụ đó.

- Thực ra, đó không phải là một phát kiến mới mà nhiều nơi khác đã làm. Nhất là ở...

- Ở đâu, anh Ba?

- Các khu nghỉ dưỡng cao cấp, người ta trân trọng, lưu giữ từng hòn đá, gốc cây có sẵn trong tự nhiên và khi thiết kế nhà cửa, đường đi thì lựa sao cho phù hợp với những thứ đó. Vì vậy, đã tạo nên sự hài hòa với thiên nhiên và rất khác biệt, không nơi nào giống với nơi nào hết!

- Có lẽ thành phố nên triển khai theo hướng đó và... cứ thử làm coi sao!