Chậm mà chắc

- Người vừa trải qua bạo bệnh, chưa hồi sức được hoàn toàn thì phải làm sao, anh Ba?

- Làm sao là làm  chi?

- À là quay trở lại với cuộc sống đó!

- Quay lại thì phải quay từ từ vì còn yếu, sức đề kháng còn kém. Chỉ một cơn gió thoảng cũng có thể gây ra  hậu quả khó lường.

- Nhưng không lẽ cứ “bế quan” mãi?

- Đương nhiên là không thể làm vậy mãi được. Cái chính là phải biết cách. Can đảm nhưng không được làm liều. 

- Ý của anh Ba là...?

- Là mở một cách thận trọng, từ từ để cơ thể quen dần với môi trường cuộc sống mới. Chớ mở toang cửa cái rụp là dễ bị sốc lắm! Mà nhà có ai ốm nặng sao Tư?

- Không có ai hết mà hỏi để đả thông tư tưởng.

- Cho ai?

- Cho chính mình và cho mọi người. Anh Ba không thấy là giãn cách dài ngày, ai nấy đều oải, đều mong nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới.

- Anh Ba đây cũng đang mong ngày, mong đêm đây. Nhưng trong  chuyện nầy, nói  thiệt là muốn nhanh thì phải...

- ...Phải từ từ. Nơi nào thật sự an toàn thì mới nới lỏng dần dần cho tới khi nới hết. Nơi nào nguy cơ dịch bệnh còn cao thì cứ phải siết chặt. Tới chừng nào ổn mới lại nới lỏng. Đừng vì một chút nôn nóng mà làm hỏng hết bao công sức.

- Chú mầy nói rất chi  chí lý! Cái chính là phải làm cho người dân ở vùng được nới lỏng cũng như phải tiếp tục thực hiện giãn cách thấm thía điều đó để tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định phòng, chống dịch bệnh. Không hoang mang, không nôn nóng, không chủ quan. Kiên trì, nhẫn nại, không lùi bước. Chậm mà chắc còn hơn mở ngay ra rồi phải vội vàng đóng lại.