Xứ Lạng tìm hướng đột phá cho cây hồi

Lạng Sơn là tỉnh có diện tích hồi lớn nhất cả nước với 33.503 ha, chiếm 70% nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến các sản phẩm gia vị theo tiêu chuẩn hồi tự nhiên. Từ năm 2007, sản phẩm hoa hồi, cây hồi ở đây đã được cấp Chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ. Lợi thế là vậy, nhưng hồi xứ Lạng vẫn chưa có vị trí xứng đáng với tiềm năng và danh tiếng của mình…

Nông dân xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) phơi sấy quả hồi khô.
Nông dân xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) phơi sấy quả hồi khô.

Yếu từ “gốc”

Mặc dù đang là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng hồi, (trong đó có hơn 10.000 ha đang cho thu hoạch) nhưng cây hồi xứ Lạng đang có nhiều bất cập ngay từ “gốc”, tức khâu canh tác, thu hoạch và chế biến.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Kim Loan cho biết: Rừng hồi trồng cách đây hơn 50 năm đều không đúng quy trình, có nơi mật độ quá dày như ở xã Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Phong (huyện Bình Gia). Ngược lại, có nơi lại trồng quá thưa như một số rừng hồi ở xã Tân Văn, Bình La (huyện Bình Gia). Còn cây hồi hiện nay bị thoái hóa do không được tuyển chọn giống và kỹ thuật canh tác chưa được quản lý một cách chặt chẽ, người dân chưa áp dụng các quy trình canh tác, chế biến, đóng gói, bảo quản một cách khoa học.

Các quy trình quản lý nội bộ và các quy trình quản lý bên ngoài chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, do vậy chất lượng quả không đồng đều, quả to, quả nhỏ, các cánh hồi bị nát vụn và nhiều thành phần trong tinh dầu hồi cũng có xu hướng giảm. Quả hồi sau khi thu hoạch được chế biến chủ yếu bằng phương pháp phơi khô. Quá trình chế biến quả hồi khô qua hai giai đoạn: Ủ quả và phơi quả. Với cách chế biến thủ công, nếu tuân thủ đúng kỹ thuật, vẫn cho quả hồi khô đạt chất lượng cao (mầu sắc đẹp, không bị rụng cánh, không bị mốc trong quá trình bảo quản), chi phí lại rẻ. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đòi hỏi điều kiện có bãi phơi đủ lớn.

Bí “đầu ra”

“Đầu vào” như vậy, cho nên “đầu ra” cũng gặp khó khăn. Thời kỳ bao cấp, thông qua Công ty xuất nhập khẩu Lạng Sơn (Laximex Lạng Sơn), hoa hồi được Laximex Lạng Sơn thu mua theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước để xuất khẩu, hoặc ủy thác cho các công ty của trung ương xuất khẩu sang các nước Đông Âu theo nghị định thư của Chính phủ, và thanh toán bằng ngoại tệ, hoặc đổi lấy máy móc, thiết bị.

Nhưng thời huy hoàng đã lùi xa, nhường chỗ cho các nhà nhập khẩu hồi Việt Nam hàng đầu là Ấn Độ, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Đức, Hà Lan, và Xin-ga-po. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là thị trường tiềm năng cho hồi Việt Nam nếu các nhà quản lý bảo đảm được sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Các thị trường cao cấp khác mà doanh nghiệp Việt Nam hiện đang cung cấp là Mỹ, Hà Lan, Đức, Anh và Bỉ. Tuy nhiên, giống như quế, không nhiều công ty thương mại sẵn sàng xuất khẩu hồi sang các thị trường đó vì họ không thể bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

Vì vậy, đối với sản phẩm từ cây hồi, Trung Quốc hiện là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, dù nhập khẩu hồi thông qua trao đổi biên mậu cho nên khó có thể thu thập được dữ liệu một cách chính xác. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, trong tổng số sản phẩm hoa hồi khô thu hoạch hằng năm, chỉ có 15% được qua chế biến chưng cất tinh dầu hồi tại các nhà máy chế biến của địa phương, 10% được bán tại thị trường trong nước phục vụ các mục đích khác nhau, còn lại 75% được xuất sang Trung Quốc và các bạn hàng mới.

Còn dầu hồi Việt Nam đang chủ yếu được bán và vận chuyển qua biên giới sang các nhà máy chế biến dầu lớn ở Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu sản phẩm lâm nghiệp, dầu hồi sản xuất tại Trà Linh, Bảo Lâm, Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) được vận chuyển đến Vân Nam (Trung Quốc), còn dầu hồi sản xuất tại Bắc Cạn, Lạng Sơn, và Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) được các thương lái thu mua bán cho thương lái Trung Quốc và vận chuyển đến Nam Ninh, Quảng Tây.

Tạo đột phá cho cây hồi

Mặc dù cây hồi xứ Lạng đã được cấp Chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ nhưng nhiều doanh nghiệp không muốn hoặc chưa sẵn sàng cộng tác với Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn để gắn nhãn, mác dấu hiệu hồi Lạng Sơn. Điều này gây thiệt đơn, thiệt kép cho cây hồi và người trồng hồi xứ Lạng.

Để tạo ra những đột phá cho nhiều loại cây đặc sản của xứ Lạng, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng “Quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó có cây hồi. Theo đó, vùng nguyên liệu hồi được tập trung vào những địa bàn trọng yếu gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia,Văn Lãng, với tổng diện tích hơn 20 nghìn ha.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu tư thâm canh diện tích trồng hồi hiện có trong khu vực rừng kinh tế, rừng sản xuất, cải tạo rừng hồi già, việc trồng xen bổ sung, trồng mới tại những diện tích đất trống trong rừng hồi, đất trồng màu, lúa kém hiệu quả cũng được quy hoạch lại. Ngành nông nghiệp xây dựng quy trình chuẩn về chọn giống, ươm tạo cây con, quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi; chuyên nghiệp hóa cho các hộ trong vùng sản xuất hồi tập trung và các hộ sản xuất hồi trên
địa bàn.

Ngành công thương cũng đã xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm hồi Lạng Sơn ra nước ngoài, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hồi trong nước và quốc tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ Hiệp hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn hình thành các chi hội tại các huyện vùng hồi; tổ chức liên kết các tổ, nhóm hộ và hợp tác xã trong hiệp hội, cùng nhau thực hiện các quy định về sản xuất, chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm, hưởng lợi,...chặt chẽ, bền vững.

Đáng chú ý, Lạng Sơn là nơi tập trung diện tích hoa hồi, chiếm tỷ lệ 80% nguồn nguyên liệu, cung ứng cho công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hồi. Vì vậy, mong muốn của người trồng hồi xứ Lạng là có những cơ sở chuyên sản xuất, chế biến với thiết bị hiện đại và công nghệ kỹ thuật sản xuất cao, quy mô tầm cỡ đủ khả năng thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi nguyên liệu của Lạng Sơn và các tỉnh khác, để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng đồng nhất, phù hợp các tiêu chuẩn nhập khẩu của từng thị trường chính. Đây cũng là cách giúp bà con trồng cây hồi có được đầu ra ổn định, bền vững, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hồi.