Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Xóa mối lo “được mùa, mất giá”

NDO -

Đưa nông sản lên kinh doanh tại sàn thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp nhiều loại nông sản thoát được tình trạng “được mùa mất giá”.

Nông sản Hải Dương được tiêu thụ trên sàn Sendo.
Nông sản Hải Dương được tiêu thụ trên sàn Sendo.

Kỳ vọng cho nông sản 

Chỉ sau một ngày Gian hàng xúc tiến sản phẩm nông sản Hải Dương và các tỉnh thiệt hại do Covid-19 mở trên Sàn TMĐT Sendo, hơn 6 tấn sản phẩm đã được tiêu thụ. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng đại diện của Sendo tại Hà Nội cho biết, lượng tiêu thụ này tốt hơn mong đợi. Với sự ưu việt trong công nghệ vận chuyển, Sendo đã đưa nông sản thẳng từ nông trại đến tay người tiêu dùng, khắc phục điểm yếu thời gian bảo quản ngắn của nông sản, cũng như giảm được chi phí cho trung gian.

Chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho một kg nông sản, không giới hạn số lượng mua” do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công thương và sàn TMĐT Sendo (sendo.vn) khởi động từ ngày 9-3 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 3, tập trung ở địa bàn Hà Nội. Chương trình triển khai để giúp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Hải Dương, như cà chua, su hào và bắp cải, được bán với giá chỉ 1.000 đồng/kg và hỗ trợ phí vận chuyển đồng giá chỉ 9.000 đồng/đơn hàng trên toàn khu vực Hà Nội. Đến nay, chương trình đã có 25 tấn nông sản Hải Dương được bán ra thị trường. Toàn bộ quy trình vận chuyển đều được tuân thủ đúng theo quy trình khử khuẩn và thông điệp “5K” do Bộ Y tế ban hành. 

Không chỉ nông sản, Sendo còn hướng tới tiêu thụ sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thông thường các mặt hàng này được tiêu thụ theo phương thức truyền thống, qua nhà phân phối cấp 1, 2 vào siêu thị và cửa hàng bán lẻ, nên khi đến tay người tiêu dùng giá thành bị đẩy lên rất cao. Việc đi qua các sàn TMĐT như Sendo sẽ tối ưu được chi phí cho người tiêu dùng. “Đây là mục tiêu hướng tới của Sendo sau chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ nông sản của bà con vùng dịch kết thúc”, ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Gian hàng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn Sendo thuộc Chương trình XTTM cấp quốc gia, được Cục XTTM phối hợp Sendo thực hiện. Mục tiêu là kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con tỉnh Hải Dương và một số địa phương vùng dịch khác. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho hay, các điểm cung ứng sản phẩm đều được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy trình khử khuẩn, thực hiện quy định 5K do Bộ Y tế ban hành. Sản phẩm cung ứng ra thị trường đạt các tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và minh bạch thông tin.

“Gian hàng xúc tiến thiêu thụ sản phẩm trên Sendo không chỉ có mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thời điểm dịch bệnh mà còn là phương thức hỗ trợ tiêu thụ bền vững cho các doanh nghiệp và hợp tác xã”, ông Hoàng Minh Chiến thông tin. 

Cùng với Sendo, nhiều chương trình đưa nông sản lên sàn TMĐT đã được triển khai. Trước đó từ ngày 2-3, Bưu điện tỉnh Hải Dương đã kết nối thu mua nông sản của người dân thông qua sàn TMĐT Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post) và hướng dẫn cách đưa thông tin sản phẩm lên sàn Posrmart.vn với những hộ sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh này. Những sản phẩm được đưa lên sàn đều được chứng nhận đủ tiêu chuẩn OCOP như bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, hành tỏi, ổi, trứng gà, gà thịt, củ đậu… Tới nay, lượng đơn hàng nông sản thông qua sàn Postmart.vn tương đối khả quan. Nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân Hải Dương trong thời gian dịch bệnh này, Bưu điện Việt Nam miễn mọi chi phí vận chuyển cho toàn bộ hàng nông sản của Hải Dương trên sàn Postmart.vn.

Hoặc vào ngày 4-3, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai tính năng “Mua chung giá rẻ” trên sàn TMĐT Vỏ Sò (voso.vn). Theo đó, Viettel Post Hải Dương mở gian hàng, tổ chức thu gom và phân phối nông sản cho người dân Hải Dương. Cả sáu gian hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương trên sàn TMĐT Vỏ Sò hiện đều tập trung cung cấp 5 loại nông sản gồm: trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải, su hào. Theo thống kê, chỉ sau hai ngày đã có hai chuyến hàng nông sản Hải Dương được sàn TMĐT tập kết về kho tại Hà Nội, bao gồm 80 nghìn quả trứng gà sạch Cẩm Đông và 5 tấn rau quả (su hào, bắp cải, ổi Thanh Hà…). 

Mục tiêu dài hơi

Ngoài các chương trình kể trên, Cục XTTM hiện đã làm việc với một số sàn TMĐT trong nước như Lazada, Tiki để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã và người nông dân. Cục XTTM cũng đã làm việc với một số sàn TMĐT quốc tế  Alibaba.com và Amazon.com để xúc tiến xuất khẩu.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, bà Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin XTTM, Cục XTTM chia sẻ, ban đầu, Cục XTTM đứng ra thành lập gian hàng quốc gia là gian hàng chung cho các sản phẩm. Sau khi sản phẩm tiêu thụ tốt hoặc người tiêu dùng ghi nhận tích cực, doanh nghiệp, hợp tác xã cam kết tham gia chương trình sẽ được Cục XTTM hỗ trợ về kỹ thuật. Cụ thể, đội ngũ chuyên gia của Cục và các đơn vị phối hợp tổ chức huấn luyện đào tạo nâng cao nhận thức, tư vấn, chỉ tay đặt việc cho từng doanh nghiệp, hợp tác xã.  

Việc huấn luyện hoặc thuyết phục đối tác tham gia vào các sàn TMĐT khá khó khăn và cần cách tiếp cận đúng đắn. Bởi với doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã thì sàn TMĐT rất xa vời nên cần sự đồng hành sát sao của tất cả các đơn vị tham gia. “Khi sản phẩm được tiêu thụ, bà con nhận biết được hiệu quả của kênh phân phối này, từ đó chủ động tham gia, hoạt động tư vấn sẽ thuận lợi hơn”, bà Thúy chia sẻ.

Sau Hải Dương, cục XTTM sẽ chọn một số tỉnh có sản phẩm tiềm năng được lựa chọn theo tiêu chí: Được kiểm định chất lượng, minh bạch thông tin, rõ nguồn gốc xuất xứ để hỗ trợ đưa lên các sàn TMĐT tiêu thụ. Từ đó, giúp giảm bớt nỗi lo “được mùa mất giá”.