Xây dựng vùng sản xuất vải thiều an toàn trong dịch Covid-19

NDO -

Tỉnh Bắc Giang đang gồng mình ứng phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 trong những ngày qua. Tuy nhiên, trên tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phải thực hiện một trong những nhiệm vụ cấp bách của tỉnh là xây dựng vùng sản xuất an toàn cho quả vải thiều trong mùa dịch, bảo đảm sản phẩm được lưu thông và tiêu thụ thuận lợi. 

Kiểm tra chất lượng vải thiều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap xuất khẩu sang Nhật Bản.
Kiểm tra chất lượng vải thiều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bảo vệ vùng sản xuất

Tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang – Vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, và các nước EU, nơi đây, người dân đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.

Phát huy tinh thần tổ cộng đồng phòng chống Covid-19, bảo vệ vùng sản xuất vải thiều an toàn, tại các ngả đường vào mỗi thôn đều được người dân tự giác lập chốt kiểm soát dịch. Trên tình thần xung phong, tự nguyện, người dân trong thôn đăng ký thay nhau chốt trực bảo đảm các chốt 24/24 giờ có người làm nhiệm vụ. Đến nay tại xã Thanh Hải đã có gần 100 chốt kiểm soát dịch Covid-19 được thành lập ở các thôn, xóm. Việc khai báo y tế, đo thân nhiệt của người qua lại các chốt được thực hiện nghiêm túc.

Anh Ngô Văn Liên, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải, Trưởng thôn Cầu Đền cho biết: Năm nay thôn Cầu Đền là một trong nhiều điểm được cấp mã số vùng trồng vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và EU. Người dân bảo vệ an toàn cho vùng trồng vải theo tinh thần huyện chốt đường huyện, xã chốt đường xã, thôn chốt đường thôn và nhà nào ở yên nhà đó nhằm hạn chế tối đa người lạ xuất hiện trên địa bàn từ đó bảo đảm địa bàn “không có dịch Covid-19” trong mùa thu hoạch vải.

Lác đác những vườn vải quả đã chuyển mầu, chưa bao giờ thôn Cầu Đền lại vắng lặng như như năm nay. Nếu là những năm trước đây, người dân trong xã, trong thôn đã chộn rộn, xôn sao đi thăm vườn và tiếp đón thương nhân đến khảo sát sản lượng, chất lượng vải thiều. Vậy nhưng vì một vùng vải thiều an toàn trong mùa dịch mọi hoạt động không cần thiết của người dân đã gần như được ngừng lại. Rải rác trong thôn nhiều hộ gia đình trong treo lên tấm biển cảnh báo để nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và và giữ an toàn cho vùng sản xuất vải thiều không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Anh Tống Anh Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết; không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều. UBND xã cũng đã xây dựng kịch bản duy trì nghiêm khuyến cáo 5K của bộ y tế trong mùa thu hoạch vải thiều.  Các lực lượng của thôn, xóm, tổ dân phố duy trì, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn, thực hiện phun khử khuẩn đối với phương tiện ngoài huyện ra vào địa bàn xã.

Tiêu thụ vải thiều trong dịch Covid-19

Do thời tiết thuận lợi vải thiều năm nay tại Bắc Giang được mùa, ước tỉnh sản lượng trên toàn tỉnh đạt khoảng 180 nghìn tấn. Mặc dù tình hình dịch Covid tại Bắc Giang diễn biến phức tạp nhưng công tác tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi. Tính đến nay tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu được 3.400 tấn vải thiều sớm qua cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai. Vải thiều sớm tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn có giá dao động từ 15 nghìn đồng đến 26 nghìn đồng/1kg tùy loại. Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, được cấp mã số vùng trồng thì có giá bán ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Vụ vải thiều sớm hiện đang thu hoạch rộ và vải thiều chính vụ chỉ 15 đến 20 ngày nữa sẽ bước vào mùa thu hoạch. Theo kênh phân phối truyền thống hằng năm thì khoảng 50% sản lượng sẽ được xuất bán sang thị trường Trung Quốc, 50% tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác. Xác định thị trường Trung Quốc rất quan trọng trong việc tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang đã sớm có văn bản đề xuất với Thủ tướng chính phủ cho phép 190 thương nhân là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều trong bối cảnh có dịch Covid trên địa bàn tỉnh. Hiện nay các thương nhân đã nhập cảnh vào Việt Nam và đang thực hiện cách ly y tế 21 ngày trước khi về huyện Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.

Tỉnh Bắc Giang cũng đẩy mạnh đa dạng hóa về xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều qua các kênh trực tuyến như sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng các mạng xã hội như zalo, facebook kết nối cung cầu nông sản trong mùa dịch, lên kế hoạch tổ chức hội nghị quảng bá và tiêu thụ vài thiều trực tuyến trong đó đang chú ý có ba điểm cầu tại thị trường Trung Quốc và hai điểm cầu tại thị trường Nhật Bản.

Đồng thời với đó tỉnh triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều như: thành lập hai tổ công tác thường trực tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cải) nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu vải thiều; UBND huyện Lục Ngạn triển khai chương trình hỗ trợ nhân dân xây dựng lò sấy vải thiều với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, phát động trong nhân dân triển khai chương trình ra quân bảo vệ vùng vải thiều an toàn phòng chống dịch.

Tin vui đã đến với người trồng vải Bắc Giang, vùng vải sớm Phúc Hòa huyện Tân Yên đã ký kết thành công với các đơn vị phân phối để xuất khẩu từ 60 đến 100 tấn vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Ngày 26-5 vừa qua những chuyến xe chở vải thiều đầu tiên đã lên đường đưa vải thiều vào thị trường được cho là khó tính, và khắt khe hàng đầu về yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với những thành công ban đầu trong mùa tiêu thụ, với nỗ lực xây dựng vùng sản xuất vải thiều an toàn trước dịch, người trồng vải thiều Bắc Giang đang tràn đầy hy vọng vào một vụ mùa bội thu và vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.