Vượt đại dịch để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ

NDO -

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng vượt lên khó khăn, Nhà máy ván dán của Công ty cổ phần MDF Bảo Yên (Lào Cai) đã nỗ lực duy trì sản xuất và mở lối xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, bảo đảm việc làm và đời sống của hơn 400 cán bộ, người lao động tại đây.

Công nhân đưa nguyên liệu ván bóc từ gỗ rừng trồng vào dây chuyền sản xuất ván dán xuất khẩu ở Nhà máy ván dán Bảo Yên.
Công nhân đưa nguyên liệu ván bóc từ gỗ rừng trồng vào dây chuyền sản xuất ván dán xuất khẩu ở Nhà máy ván dán Bảo Yên.

Chúng tôi đến Nhà máy ván dán của Công ty cổ phần MDF Bảo Yên trong một ngày mưa tầm tã, thời tiết vùng cao bắt đầu rét lạnh, nhưng hàng trăm công nhân vẫn miệt mài bên những dàn máy của Ấn Độ, Hàn Quốc, với công nghệ tiên tiến, để sản xuất ván gỗ công nghiệp theo đơn hàng từ Mỹ. 

Vượt dịch để duy trì sản xuất

Nhà máy sản xuất ván dán Bảo Yên nằm trên gò đồi cao rộng hơn 2 ha, ngay cạnh quốc lộ 70, cách thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên - Lào Cai) chừng 12 km về phía nam. Đường giao thông thuận lợi, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hàng chục nghìn ha đang kỳ thu hoạch là “ưu thế” có sức cạnh tranh lớn, bền vững của nhà máy, tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến làm “chao đảo” sản xuất và cuộc sống của hơn 400 cán bộ, công nhân, người lao động tại đây.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần MDF Bảo Yên Nguyễn Cảnh Hoàng Danh cho biết, áp lực nhất là giai đoạn tháng 5, tháng 6, khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh, thực hiện giãn cách xã hội khiến giao thông đình trệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, công nhân không có việc làm, thu nhập sút kém, khiến lãnh đạo công ty và nhà máy ván dán phải “xoay xở đủ cách” để không bị “vỡ trận”.

Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra trong thời gian dịch bệnh phức tạp, căng thẳng, nhà máy cố gắng duy trì sản xuất ở mức thấp, bố trí lao động hợp lý, tranh thủ thời gian bảo dưỡng dây chuyền, máy móc thiết bị sản suất, đưa nhân lực xuống xã củng cố vùng nguyên liệu, bên cạnh đó nắm sát diễn biến dịch bệnh và thị trường nước ngoài để “bắt nhịp” ngay cơ hội trở lại sản xuất bình thường khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vượt đại dịch để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ -0
 Công đoạn ép nóng quyết định chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Nhà máy có khoảng 400 công nhân thì trong đó hơn 300 lao động là người địa phương, đa số là đồng bào dân tộc Tày, Dao, H’Mông ở huyện Bảo Yên và vùng phụ cận, có sức khỏe, chăm chỉ làm việc nhưng trình độ văn hóa và tay nghề còn hạn chế. Trong thời gian sản xuất giãn cách, Công ty linh hoạt tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lý thuyết và tay nghề các công đoạn sản xuất ngay tại chỗ. Nhờ vậy, vừa duy trì sản xuất, vừa giữ được nhân lực và nâng cao tay nghề cho công nhân.

 “Đó là cách làm “ba trong một” ở Nhà máy ván dán Bảo Yên để vượt qua thời điểm khó khăn nhất do dịch dã, chuẩn bị khi dịch được kiểm soát là trở lại trạng thái sản xuất bình thường ngay”- Phó Giám đốc  Nguyễn Cảnh Hoàng  Danh chia sẻ.  

Mở hướng xuất khẩu ván dán sang thị trường Mỹ

Nhà máy ván dán Bảo Yên được đầu tư  dây chuyền thiết bị đồng bộ, khép kín từ khâu đầu đến sản phẩm cuối cùng; bao gồm các công đoạn: bóc ván, sấy ván, xếp tấm, ép nguội, ép nóng, chà mặt, dán mặt, cắt cạnh, chà bóng thành phẩm; với công suất 100.000 m3/năm.

Giám đốc Công ty cổ phần MDF Bảo Yên Lê Thanh Tùng cho biết, từ nguyên liệu gỗ tròn để ra ván dán tấm thành phẩm phải qua hơn 30 công đoạn sản xuất khác nhau, trong đó quan trọng nhất, quyết định chất lượng sản phẩm là khâu xếp tấm và khâu ép nóng. Vì vậy, công ty chú trọng đào tạo và lựa chọn, bố trí nhân lực có tay nghề, tính kỷ luật cao, chịu khó và năng động vào hai công đoạn này.

Chị Vi Thị Tươi, dân tộc Tày, Tổ trưởng tổ xếp tấm cho biết, xếp tấm đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy trình, cẩn thận, tỉ mỉ, bảo đảm độ dày theo quy định thì mới tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn, ít sản phẩm lỗi, tiết kiệm nguyên liệu và chi phí cho nhà máy.

Còn ở phân xưởng ép nóng, theo anh Hà Đức Tiên, Tổ trưởng Tổ ép nóng cho biết, cốt yếu nhất là đủ, đúng nhiệt độ, áp suất và thời gian, bảo đảm cho các lớp ván bóc và keo dán gắn kết vào nhau, đủ cường độ chịu lực theo tiêu chuẩn, tạo nên sức bền cho sản phẩm.

Vượt dịch để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ -0
 Đóng gói sản phẩm ván dán để đưa ra cảng Hải Phòng, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. 

Dù ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, bằng sự nỗ lực và linh hoạt, từ đầu năm đến nay, Nhà máy ván dán Bảo Yên ký kết với các các xưởng ván bóc trên địa bàn và thu mua nguyên liệu cây gỗ rừng trồng của người dân ở các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn (Lào Cai) và một số huyện giáp ranh ngoài tỉnh như Lục Yên, Yên Bình (Yên Bái), Quang Bình, Bắc Quang (Hà Giang), tổng cộng hơn 50.000 m3 nguyên liệu để sản xuất ra hơn 20.000 m3 ván dán thành phẩm, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Canada, Hàn Quốc, đặc biệt là Mỹ với thị phần hơn 45%, đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Nhờ vậy, bảo đảm việc làm và đời sống cho hơn 400 cán bộ, công nhân, người lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

“Hiện tình hình dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt hơn, Chính phủ và các địa phương đã chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, gỡ bỏ và nới lỏng giãn cách, bảo đảm giao thông thông suốt, để thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, ổn định dời sống. Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội vàng này để phục hồi nhanh sản xuất và tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu, phấn đấu xuất đạt doanh thu khoảng 170 tỷ đồng trong năm 2021” - Giám đốc Công ty cổ phần MDF Bảo Yên khẳng định.