Vụ xuân 2021 ở Nghệ An được mùa toàn diện

NDO -

Vụ xuân 2021 ở Nghệ An thắng lợi toàn diện. Người nông dân tuy tất bật vì phải đua thời gian, gối vụ nhưng rất vui vì được mùa với năng suất bình quân 67,7 tạ/ha - cao nhất từ trước đến nay lại dễ tiêu thụ và được giá.

Các vùng cao cưỡng chuyển đổi sang trồng rau màu, dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng lúa.
Các vùng cao cưỡng chuyển đổi sang trồng rau màu, dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng lúa.

Vui cùng nông dân

Những ngày này làng trên, xóm dưới ở huyện lúa Yên Thành đang tất bật thu hoạch vụ xuân và gấp rút triển khai vụ hè thu. Tuy bận rộn từ sớm hôm đến tối mịt nhưng người dân vui vì lúa chắc, bông mẩy, mà giá lúa và các cây rau màu đều đều dễ bán và tăng giá so trước đây.

Tại xã Xuân Thành, bà con nông dân đang nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân, những chiếc máy gặt đập liên hợp đa năng cả gặt, đập đóng bao cho người dân rất thuận tiện. Nông dân thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất sản xuất cho hè thu ngay đến đó. Tại chân ruộng của lão nông Nguyễn Cảnh Tài (xóm Minh Yên) vừa thu hoạch xong đang chuẩn bị làm đất, ông Tài vui cho biết: Thời tiết thuận lợi, lại không bị sâu bệnh, nên chín sào lúa lai thuần của gia đình cho thu hoạch gần bốn tấn lúa. Chưa bao giờ năng suất lúa lại cao như vụ này, đạt gần 4,5 tạ/sào.

thuhoach-1622354251935.jpg
Đẩy nhanh tốc độ thu hoạch lúa xuân bằng cơ giới ở huyện lúa Yên Thành. 

Cùng niềm vui được mùa, gia đình ông Phan Viết Quyền ở xóm Thượng Xuân gieo trồng 2,5ha lúa giống 225 cho thu hoạch hơn bốn tạ/sào, ông Quyền cho biết: Bà con vui lắm, vì không chỉ được mùa mà còn được giá. Giá lúa tư thương thu mua hơn 7.000 đồng/kg, cao hơn so vụ trước. Không chỉ vậy, những ngày này, hai chiếc máy cày, cùng một chiếc máy gặt và một máy cấy của gia đình ông Quyền đang hoạt động hết công suất để giúp bà con “cướp” thời gian, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu. Theo tính toán của ông Quyền, so phương pháp truyền thống, cấy bằng máy, mỗi sào giảm được 1/2 lượng giống; cây mạ sinh trưởng khỏe hơn so mạ thường, khắc phục được hiện tượng đứt rễ khi đem mạ ra cấy. Trong lúc, giá cấy bằng máy chỉ bằng 40-50% tiền công cấy bằng tay mà người dân đang thuê…

Vụ xuân năm nay huyện lúa Yên Thành được mùa toàn diện, khi gieo cấy trên 12.819 ha lúa, với năng suất bình quân toàn huyện đạt gần 72 tạ/ha. Trong đó, nhiều địa phương có năng suất vượt trội như: Nhân Thành, Long Thành, Thọ Thành, Hồng Thảnh... đạt từ 75-79 tạ/ha. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Yên Thành Lê Văn Hồng chia sẻ: Nguyên nhân được mùa, ngoài thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, huyện đưa vào cơ cấu các giống lúa cho năng suất và chất lượng cao như Kinh Sử Ưu 1558, Nhị Ưu 980, Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, Bắc Thơm 9, AC5... Huyện còn xây dựng được nhiều mô hình các giống lúa mới, có chất lượng tốt.  

A2-1622354252425.jpg
Thu hoạch đến đâu, bà con ở Long Xá (Hưng Nguyên) tranh thủ làm đất, cấy ngay đến đó. 

Yên Thành đã chỉ đạo các xã xây dựng mô hình thâm canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững theo VietGAP. Triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như mô hình cấy lúa bằng mạ khay, qua đó đã góp phần tiết kiệm sức lao động, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Một thành công nữa, Yên Thành đã thu hút các doanh nghiệp liên kết với các HTX trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vụ này đã liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân hơn 2.500 ha lúa.

Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên cho biết: Đến nay, huyện Yên Thành đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân. Thu hoạch đến đâu, bà con tiến hành làm đất và gieo cấy vụ hè thu đến đó. Vụ hè thu này, Yên Thành phấn đấu gieo cấy 11.500 ha , khoảng 59 nghìn tấn thóc. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, huyện cơ cấu các loại giống hợp lý trên các cánh đồng để tránh ngập úng. Đối với vùng chạy lụt, sử dụng các giống ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày. Để chạy đua với thời vụ, Yên Thành đã đẩy mạnh việc sử dụng gieo cấy mạ khay ở nhiều xã như: Xuân Thành, Trung Thành, Liên Thành, Thọ Thành, Hồng Thảnh... Ngoài ra, 700 ha đất lúa cao cưỡng, được chuyển đổi sang gieo trồng ngô, lạc, rau...

Cách Yên Thành hơn 50 km về phía nam, bà Võ Thị Thanh Tùng ở xóm 3, xã Long Xá (Hưng Nguyên) đang cùng với bà con cố gắng cấy xong 2,5 sào ruộng nhà mình, mặc dù trời trưa đã đứng bóng. Bà Tùng khoe: Vụ xuân năm nay được mùa! Trước đây chỉ được bảy hay tám tạ thôi mà năm nay thu hoạch được hơn tấn lúa. Tại đây, chúng tôi gặp lãnh đạo xã Long Xá đang đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ hè thu. Chủ tịch UBND xã Long Xá Nguyễn Thị Tuyết khoe: 230 ha lúa của xã đã thu hoạch gọn với năng suất hơn 72 tạ/ha, tăng hơn ba tạ/ha so năm trước.

Trưởng phòng NN và PTNT huyện Hưng Nguyên Hoàng Đức Ân cho biết: Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, bà con Hưng Nguyên rất vui vì vụ xuân được mùa toàn diện, năng suất các loại cây trồng đạt cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù chuẩn bị thu hoạch bị  lốc xoáy làm gần 1/5 diện tích lúa bị đổ, nên đã ảnh hưởng phần nào đến năng suất nhưng năng suất bình quân chung toàn huyện vẫn đạt 69,5 tạ/ha, cao hơn so cùng kỳ gần hai tạ/ha. Nhiều xã đạt năng suất cao 70-77 tạ/ha, như: Xuân Lam, Hưng Lĩnh, Long Xá, Hưng Nghĩa, Hưng Trung, Yên Bắc, Yên Nam… Các xã đều thực hiện tốt cơ cấu giống, sản xuất theo hướng hàng hóa. Toàn huyện đã gieo trồng hơn 60% diện tích lúa chất lượng cao; trong đó có 25 cánh đồng mẫu lớn... Ngoài ra, năng suất cây ngô, lạc, rau màu khác đều có năng suất vượt trội so các năm trước đây cùng với giá bán khá cao.

Thắng lợi toàn diện

Các huyện trọng điểm lúa và có trình độ thâm canh tốt như Diễn Châu, Quỳnh Lưu… cũng đều được mùa với năng suất lúa xấp xỉ 74 tạ/ha, cao hơn mọi năm từ một đến hai tạ/ha. Ngoài ra, Diễn Châu còn là vựa lạc của Nghệ An với gần 2.750 ha, cho năng suất kỷ lục tới 43 tạ/ha; ngô đạt năng suất 65 tạ/ha. Rất nhiều diện tích ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò, bán tại ruộng với giá gần một triệu đồng/tấn...

Không chỉ đồng bằng mà nhiều huyện miền núi phía Tây ở Nghệ An cũng vui được mùa. Theo báo cáo của Phòng NN và PTNT huyện Quế Phong, vụ xuân này địa phương gieo cấy 2.300 ha lúa, bằng các giống lúa chủ lực: Japonica, Sông lam 9, NA6, Nhị ưu 986, VNR 20... Tất cả các giống lúa đều đạt năng suất cao, cá biệt có những nơi đạt tới 72 tạ/ha. Năng suất bình quân toàn huyện đạt 55 tấn/ ha.

A3-1622354252169.jpg
 Để đẩy nhanh sản xuất hè thu, bà con Yên Thành đã triển khai gieo mạ khay và cấy máy.

Các địa phương miền núi khác như: Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương... đều được mùa vụ xuân. Một vụ lúa xuân được đánh giá là được mùa nhất từ trước đến nay, đã tạo thêm niềm vui đối với đồng bào các dân tộc miền tây Nghệ An yên tâm về lương thực…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Nghệ An Võ Thị Nhung cho biết: Vụ xuân 2021, toàn tỉnh Nghệ An đã gieo trồng được hơn 91.643 ha, vượt gần 2% kế hoạch. Điều đáng mừng là bà con đã tập trung trồng lúa có chất lượng cao với diện tích lên hơn 35.000 ha, chiếm 38,09%. Năng suất đạt 67,76 tạ/ha, tăng 1,23 tạ so vụ xuân 2020, tăng 1,09 tạ so kế hoạch và là năm mà năng suất lúa vụ Xuân bình quân toàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay. Trong đó nhiều huyện trọng điểm lúa với trình độ thâm canh tốt có năng suất đạt cao kỷ lục so trước đây, đạt từ 72 đến xấp xỉ 74 tạ/ha… Cơ cấu giống tiếp tục phát triển theo hướng đưa nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất như các giống lúa thuần: TBR225, Thiên ưu 8, Vật tư NA2, VTNA6, Sông Lam 9… cùng một số giống lúa lai khác. Bên cạnh đó, các cây ngô, lạc và rau màu khác đều đạt sản lượng cao so những năm trước và tiêu thụ khá thuận lợi với giá cả hợp lý.

Nguyên nhân thành công của vụ xuân 2021 mà theo Phó Giám đốc sở NN và PTNT Nghệ An, đó là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ tỉnh, ngành đến các cấp cơ sở đã khích lệ nông dân yên tâm đầu tư sản xuất; bên cạnh, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít thì người dân tiếp tục áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thâm canh, phân bón, thuốc BVTV; nhiều địa phương đã sử dụng “máy bay” phun thuốc BVTV, đem lại hiểu quả cao hơn nhiều so bơm thủ công... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế.

Các địa phương đã triển khai kịp thời nhiều biện pháp chống hạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra. Bên cạnh, trình độ thâm canh của người dân đã được nâng cao thì có nhiều doanh nghiệp đã phối hợp, ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các địa phương đã làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác với hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng lúa từ bảy đến 50 triệu/ha/vụ.

Phát huy kết quả đạt được, thu hoạch lúa Xuân đến đâu, các địa phương chỉ đạo bà con triển khai làm đất bằng cơ giới và gieo trồng vụ hè thu đến đó, với phương châm càng sớm càng tốt. Vụ Hè Thu này, Nghệ An phấn đầu gieo trồng 90 nghìn ha lúa, 12 nghìn ha ngô cùng 17.400 ha cây rau, màu các loại.