Viễn Đông (Nga): Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

NDO -

Chúng tôi đứng trên cao nhìn xuống. Cảng Vladivostok sáng sớm im lìm. Những tắc nghẽn về đường vận chuyển biển dường như vẫn cần tiếp tục được khai thông. Nhưng trong lòng chúng tôi, không giấu nổi phấn chấn về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Một góc cảng Vladivostok.
Một góc cảng Vladivostok.

Vladivostok ở Viễn Đông Nga có lẽ quen thuộc hơn với những người làm ăn, buôn bán. Hàng của họ xuất khẩu từ Việt Nam phần lớn đi qua cảng biển Vladivostok vào Viễn Đông rồi tỏa đi khắp nước Nga bằng đường sắt và đường bộ.

Liên tục đẩy mạnh hợp tác

Dẫn chúng tôi lên đỉnh ngắm cảng, ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự kinh tế thương mại, trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông (Nga) chia sẻ tình hình. Sau gần 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga là trụ cột, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Viễn Đông đã tăng gấp đôi, từ gần 100 triệu USD năm 2016 lên 223 triệu USD năm 2019. Năm 2020, dù dịch Covid-19 hoành hành, con số này vẫn đạt 207 triệu USD.

11_9_Anh_1-1631445381049.JPG
Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực.  

Nhưng năm 2021, tình hình có vẻ khó khăn hơn. Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexey Chekunkov cho biết, khối lượng trao đổi thương mại của Khu liên bang Viễn Đông (Nga) với Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6 đạt 77,6 triệu USD.

Hải quan Nga thống kê, hằng tháng, khoảng 28-32 nghìn tấn hàng từ Việt Nam nhập khẩu vào Nga, đi qua 3 cảng chính là Saint Petersburg, Novorossiysk và Vladivostok. Thời điểm này, lượng hàng đi qua cảng Vladivostok đạt trên 14 nghìn tấn.

Những con số đó rõ ràng chưa làm hài lòng hai phía Việt Nam và Nga, nếu nhìn vào tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại hai nước. Một trong những lý do khiến hàng hóa lưu thông chậm thời gian này là do vận tải.

11_9_Anh_3-1631445345382.jpg
Ông Đỗ Quốc Việt (Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga) tại Đối thoại Kinh tế Nga - ASEAN. 

Ông Đỗ Quốc Việt thuộc Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga mang nhiều tâm tư đến Đối thoại Kinh doanh Nga - ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021. Cả doanh nghiệp Việt Nam và Nga đều ảnh hưởng nặng nề, khi giá vận chuyển hàng hóa đường biển từ TP Hồ Chí Minh sang Vladivostok tăng gấp 10 lần trước đây.

Ông Việt giải thích, điều này do giá tàu biển và vỏ container, số ngày tàu trên biển và các phụ phí khác đều tăng. Ông Việt đề xuất mau chóng khắc phục những khó khăn, tắc nghẽn hàng giữa hai nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, phía doanh nghiệp Việt Nam mong đơn giản hóa và giảm chi phí đưa hàng qua Vladivostok.

Những tín hiệu vui

Chúng tôi nhắc lại đề xuất của ông Việt khi phỏng vấn Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexey Chekunkov.

Ông Alexey Chekunkov trả lời: Một hướng đi đầy hứa hẹn là mở tuyến vận tải container trực tiếp giữa Vladivostok và các cảng của Việt Nam. Hiện hàng từ Việt Nam sang Vladivostok phải trung chuyển tại các cảng của nước thứ ba (Hàn Quốc), khiến trung bình phải mất từ 14 đến 18 ngày. Nhưng khi tuyến container trực tiếp được triển khai, thời gian dự kiến chỉ mất từ 8 đến 10 ngày.

Cùng giải pháp đó, chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn khi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự kinh tế thương mại Việt Nam tại Viễn Đông (Nga).

Ông Thành phân tích, tuyến đường biển vận chuyển thẳng từ Việt Nam đến Vladivostok sẽ giúp giảm chi phí khoảng 200-300 USD/container, đồng thời giảm thời gian vận tải trên biển khoảng 1 tuần.

Ông Thành còn cho biết, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông đang hỗ trợ một tập đoàn trong nước hợp tác với đối tác sở tại nghiên cứu dự án mở lại tuyến đường biển từ cảng Hài Phòng đến cảng Vladivostok. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường làm việc thẳng với các chuỗi siêu thị và sàn thương mại điện tử của Nga, để đưa nhiều hơn các mặt hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng Nga.

Liên quan cảng biển, thêm một tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021, chính quyền vùng Primorye đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập một cảng trung chuyển đa năng mới ở vịnh Sukhodol, cách thành phố Vladivostok khoảng 80 km.

Cụ thể, dự án gồm một bến than với công suất 12 triệu tấn đang được thi công, dự kiến có thể nâng lên 20 triệu tấn/năm. Các cơ sở khác gồm một khu cảng container nước sâu và một nhà ga hàng ngũ cốc. Tổng lượng hàng hóa lưu chuyển của cảng dự kiến ​​hơn 70 triệu tấn.

Sau nhiều năm công tác, ông Nguyễn Hồng Thành nhận định, thị trường Nga nói chung và Viễn Đông nói riêng tương đối dễ tính. Hầu hết các sản phẩm dệt may, da giầy, cao-su, đồ gỗ, thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam đều có thể tiêu thụ tại Nga.

11_9_Anh_5-1631445580675.jpg
Vladivostok có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Ưu đãi từ chính quyền

Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexey Chekunkov khẳng định, các điều kiện hấp dẫn nhất đã được tạo ra ở Viễn Đông cho các nhà đầu tư với các gói ưu đãi thuế, hỗ trợ hành chính, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hàng chục dự án đang được triển khai trong khu vực với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, gồm các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi tiếp tục hỏi ông Alexey Chekunkov, để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực tại Viễn Đông, cần những giải pháp nào?

Ông Chekunkov trả lời, Viễn Đông mong muốn thu hút sự tham gia tích cực hơn của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Hiện các hạn chế chống dịch đang cản trở việc này. Tuy nhiên, sau khi dỡ bỏ các hạn chế, vùng Viễn Đông sẵn sàng cùng Viện Phát triển, Tổng công ty Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực tổ chức các chuyến công tác cho các nhà đầu tư Việt Nam thị sát Viễn Đông.

Ông Chekunkov đánh giá cao Đối thoại Kinh doanh Nga - ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2021. Những sự kiện như vậy với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ hai nước có thể trở thành động lực bổ sung cho hợp tác cùng có lợi. Tổng công ty Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực có danh mục dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực: kim loại màu và kim loại quý, hậu cần, vận tải, khai thác than, năng lượng, bất động sản và nông nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, du lịch, giải trí...

"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về từng dự án với các nhà đầu tư từ Việt Nam và các quốc gia khác", ông Chekunkov nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực cũng nhận thấy tiềm năng lớn trong việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp từ Viễn Đông sang Việt Nam, gồm thịt lợn, đậu nành và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, tuyến đường biển trực tiếp giữa hai nước sẽ mang lại cơ hội cho các chủ hàng từ Việt Nam sử dụng tuyến đường biển phía Bắc, để đưa hàng Việt Nam sang nhiều khu vực khác trên thế giới.

Nhằm cân bằng cán cân thương mại với Nga, ông Nguyễn Hồng Thành cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng nhập khẩu nhiên liệu, nguyên liệu và bán thành phẩm từ Nga để sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

11_9_Anh_10-1631445344929.jpg
Ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự kinh tế thương mại, trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông (Nga). 

Theo ông Thành, nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu từ Viễn Đông gồm than đá, gỗ thông, gỗ bạch dương, các loại quặng, phân bón hữu cơ, đậu nành, lúa mạch, cá minh thái Alaska, cá hồi tự nhiên, cá trích Thái Bình Dương...

"Việt Nam có thị trường lớn nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nga có vùng nguyên liệu với trữ lượng lớn. Hợp tác khai thác và chế biến trên lãnh thổ của nhau sẽ tận dụng tốt ưu đãi của các FTA và mang lại hiệu quả kinh tế cao", ông Thành nhận định.

Từ khi Nga đẩy mạnh chính sách hướng đông và được cụ thể hóa bằng các điều luật như: Luật hecta đất miễn phí ở Viễn Đông, Luật Cảng tự do Vladivostok, Luật khu kinh tế đặc biệt tiên tiến, cơ chế visa điện tử, cùng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư khác. Đến nay, đã có hàng nghìn dự án được triển khai tại 22 khu cảng tự do và 23 khu kinh tế đặc biệt tiên tiến.

Nhu cầu về lao động ở Nga tăng cao trong lĩnh vực xây dựng, đóng tàu, chế biến cá, chế biến thịt, chế biến gỗ và lĩnh vực nông nghiệp. Theo cơ quan quản lý lao động nước ngoài Nga, hằng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp tại Viễn Đông khoảng 70-80 nghìn người. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xem xét khả năng phát triển hợp tác với Nga trong lĩnh vực cung ứng lao động.