Tôm hùm chết, ước thiệt hại hơn một tỷ đồng

NDO -

Tại Phú Yên, mưa lớn trong 2 ngày qua làm cho nước bạc đổ về vùng nuôi tôm vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu quá lớn, đã xảy ra hiện tượng phân tầng nước gây nên tình trạng thiếu oxy cục bộ, dẫn đến tôm cá chết nhanh, làm người dân thiệt hại nhiều.

Tôm hùm chết ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: TRÌNH KẾ)
Tôm hùm chết ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Điều đáng lo ngại là mặc dù chính quyền và người dân đã có phương án trước, nhưng do mật độ lồng bè thả nuôi quá dày, việc bảo đảm an toàn cho vùng nuôi tôm hùm gặp không ít khó khăn, đòi hỏi người dân phải theo dõi chặt chẽ khuyến cáo của cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời.     

Trong 2 ngày 24 và 25/10 xuất hiện hiện tượng tôm hùm và cá nuôi bằng lồng, bè của 22 hộ dân ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên chết rải rác. Riêng gia đình ông Bùi Văn Khánh ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu bị thiệt hại nặng. Những con tôm hùm bông có giá hơn 1,4 triệu đồng/kg, còn lại của ông Khánh chưa kịp xuất bán trong 2 ngày qua đã chết sạch.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Xuân Yên, đã có gần 8.500 con tôm hùm lớn nhỏ cùng 1,2 tấn cá các loại của 22 hộ nuôi trong phường bị chết. “Thiệt hại ghê lắm, có hộ nuôi tôm chết cả 5,7 tạ, do nước ở tầng đáy thiếu oxy”, ông Bùi Văn Khánh nói.

Bà Lê Thị Thoa, người nuôi tôm ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu cũng cho biết, tôm bà con nuôi ở đây chết quá nhiều. Nước ngọt đổ về nhanh, bà con phải kéo lồng nuôi đi nơi khác, đến chỗ nước trong hơn. Nhưng do lồng bè nhiều quá việc di dời cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Trạm Thú y thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cho biết, nguyên nhân tôm hùm và cá chết từ ngày 24/10 đến nay là do trời mưa lớn nhưng không có gió, kết hợp thủy triều kém nên xảy ra hiện tượng phân tầng nước, gây ra thiếu oxy cục bộ dẫn đến tôm và cá chết nhanh.

“Thực tế cho thấy, tôm hùm là đối tượng nuôi khá nhạy cảm và thường gặp rủi ro khi có mưa lớn kết hợp nước ngọt từ các sông đổ ra vùng nuôi này, gây ra hiện tượng tôm sốc nước ngọt chết hoặc khi ngư dân dìm sâu lồng nuôi xuống đáy trong khi nước tầng đáy bị ô nhiễm nên tôm bị thiếu oxy”.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại: “Bà con cần theo dõi tôm nuôi 24/24 giờ. Điều chỉnh độ sâu lồng phù hợp, tôm cá đủ kích cỡ nên thu hoạch bán vì mùa mưa bão giữ lại rất nguy hiểm. Khi bão vào, nước ngọt thượng nguồn chảy xuống vùng nuôi, thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Hiện tượng này các năm trước đã xảy ra rồi”.

Tôm hùm chết, ước thiệt hại hơn một tỷ đồng -0
Bè thủy sản ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: TRÌNH KẾ)

Hiện trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông của thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có hơn 82.696 lồng/2018 bè thủy sản. Số lồng đủ tuổi thu hoạch vẫn còn khá lớn nên khi mưa lớn kéo dài và sắp tới là bão số 10 thì ngư dân cần phải theo dõi và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Tôm hùm là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hiện nay tôm hùm xanh có giá hơn 800 nghìn đồng/kg, tôm hùm bông là 1,4 triệu đồng/kg, nếu người nuôi không tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng và phương án phòng, chống tốt khi thiên tai lũ bão sắp tới sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi.