Tìm nhà đầu tư chiến lược để bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NDO -

Với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật như hiện nay, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là mục tiêu Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) hướng tới.

 Vietnam Airlines đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Vietnam Airlines đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Nhận diện “khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại

Cùng với sự đồng hành của cổ đông chiến lược, sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Petrolimex đã trở thành doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc VN30 - nhóm các cổ phiếu có vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao trong bộ chỉ số của Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Cơ cấu cổ đông hiện tại của Petrolimex có hơn 100 quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài; vốn hóa thuộc nhóm các công ty lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo Ủy ban, trong số 7 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đã cổ phần hóa, chỉ có 2 doanh nghiệp có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Trong đó, Petrolimex bán vốn cho Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy của Nhật Bản (nay là ENEOS Corporation), Vietnam Airlines bán vốn cho Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc.

Tương tự, Vietnam Airlines cũng có sự chuyển mình tích cực kể từ khi cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược là hãng hàng không 5 sao Nhật Bản đã giúp Vietnam Airlines nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu cũng như mở rộng các cơ hội tốt hơn khi tiếp cận nguồn vốn từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Đồng thời có hội mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như hợp tác hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm quản trị theo tiêu chuẩn của một hãng hàng không hàng đầu thế giới.

Trong số các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền nam (Vinafood 2) có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước. Ba doanh nghiệp còn lại là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam không có sự tham gia của cổ đông chiến lược.

Một số công ty con của các tập đoàn, tổng công ty cũng bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thành công, như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Tổng công Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cổ phần hóa và thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam…

Theo Ủy ban, vấn đề đầu tiên khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định việc mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là sự hấp dẫn của ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và sự phù hợp của các yếu tố này với chiến lược phát triển của nhà đầu tư nước ngoài.

“Đối tượng quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là các dự án đầu tư, các nguồn tài nguyên doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng; vị trí, vai trò, tính độc quyền trong ngành, nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp. Với các ngành nghề kinh doanh gạo, muối, biên độ lợi nhuận thấp, doanh nghiệp quy mô nhỏ; hoặc ngành nghề kinh doanh nhiệt điện than (như EVNGENCO3) là ngành công nghệ cũ, ô nhiễm môi trường không được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn”, Ủy ban Quản lý đúc kết về “khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Để đẩy nhanh việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, Ủy ban đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, nhiều trường hợp thoái vốn chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Một số trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng quá trình mua, bán vốn lại không thành công. Doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là nhà đầu tư tài chính, không phải là nhà đầu tư chiến lược nên không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

ttxvn_2612_cao_su-1633584051529.jpg
Công nhân khai thác mủ cao su tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN 

Hiện nay, pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần doanh nghiệp cổ phần hóa được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ. Pháp luật chưa có quy định tách bạch đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn…

Từ thực tế này, Ủy ban đề xuất nhiều cơ chế mới khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo hướng bổ sung quy định về việc lựa chọn và trình tự, thủ tục bán cổ phần. Sửa đổi quy định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân theo kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công chúng. Điều chỉnh gia hạn thêm thời gian hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu để phù hợp với thực tế triển khai thay vì quy định khung thời gian 4 tháng như hiện nay. Kiến nghị xem xét, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư để tăng khả năng bán vốn thành công.

Cụ thể là kiến nghị của Petrolimex về việc tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 49%; Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100% trong lĩnh vực bảo hiểm, tạo cơ hội cho PTI tiếp cận được với các nguồn vốn mới, tăng tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp cận kỹ thuật, sản phẩm và công nghệ hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm…