Tìm giải pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn ở Quảng Ngãi

NDO -

Sắn là cây trồng có lợi thế trên địa bàn Quảng Ngãi, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân, nhất là các vùng miền núi. Song, bệnh khảm lá sắn diễn biến ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng cho người trồng sắn trong tỉnh.

Bệnh khảm lá sắn hoành hành, gây thiệt hại nặng cho nông dân Quảng Ngãi.
Bệnh khảm lá sắn hoành hành, gây thiệt hại nặng cho nông dân Quảng Ngãi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, diện tích sản xuất sắn trong tỉnh dao động từ 16.460 ha đến 17.946 ha, năng suất bình quân đạt 194 tạ/ha, sản lượng từ 311.416 tấn đến 348.550 tấn/năm.

Bệnh khảm lá sắn hoành hành

Tại Quảng Ngãi, bệnh khảm lá sắn xuất hiện đầu tiên vào tháng 9/2019, ban đầu tại xã Sơn Giang, huyện miền núi Sơn Hà, sau đó lây lan nhanh ra các địa phương khác. Niên vụ 2019-2020, toàn tỉnh trồng hơn 16.400 ha sắn thì có gần 4.800 ha bị nhiễm bệnh. Đến niên vụ 2020-2021, bệnh khảm lá sắn tiếp tục hoành hành, gây hại trên diện rộng với tổng diện tích bị nhiễm bệnh lên đến 8.332 ha, chiếm 53,36% so với diện tích trồng. Trong đó, diện tích có tỷ lệ cây nhiễm dưới 30% là 981,5 ha, từ 30-70% là 2.917,5 ha và  hơn 70% là 4.433 ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết, Sơn Hà là địa phương có vùng nguyên liệu sắn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Niên vụ sắn 2020-2021, nông dân trong huyện trồng hơn 7.023 ha, trong đó có gần 92% diện tích bị nhiễm bệnh. Đáng lo ngại, diện tích sắn nhiễm bệnh nặng từ 70% trở lên tăng cao, niên vụ 2020-2021 là 3.850 ha, đã làm giảm năng suất và chất lượng, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất cây sắn trên địa bàn huyện.

Ông Đinh Văn Hải, một nông dân ở xã Sơn Hải, huyện miền núi Sơn Hà lo lắng: “Phần lớn cây sắn nhiễm bệnh ở giai đoạn từ mới mọc đến phát triển thân lá. Lo nhất là ruộng sắn bị bệnh gây hại nặng ngay từ giai đoạn cây con khiến nông dân mất trắng”.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, niên vụ 2019-2020, dịch bệnh khảm lá khiến sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh sụt giảm khoảng 23.244 tấn (56 tỷ đồng); niên vụ 2020-2021 sụt giảm khoảng 40.618 tấn (gần 100 tỷ đồng).

Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành sắn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho rằng, nguyên nhân bệnh khảm lá sắn diễn biến ngày càng nghiêm trọng là do tập quán canh tác của người dân thường sử dụng hom giống vụ trước để trồng lại, giống không bảo đảm chất lượng, bị nhiễm bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho virus khảm lá lây lan diện rộng.

Tìm giải pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn ở Quảng Ngãi -0
 Cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng sắn theo hướng bền vững và hiệu quả. 

Đối với các huyện miền núi, đa số diện tích trồng sắn nằm ở vùng đồi, dốc nên khó khăn trong việc phun trừ môi giới truyền bệnh khảm lá sắn. Đặc biệt, nguồn giống sắn kháng bệnh, sạch bệnh khảm lá cung cấp cho nông dân rất khan hiếm, do hầu hết các vùng trồng sắn trong tỉnh đều nhiễm bệnh. Chẳng hạn, niên vụ 2021-2022, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 13.837 ha sắn, tuy nhiên khả năng tự cung ứng nguồn giống tại chỗ chỉ đáp ứng trồng 2.541 ha; số diện tích còn lại các địa phương vẫn đang loay hoay đi tìm nguồn giống cung ứng cho nông dân.

Để việc phòng, chống bệnh khảm lá sắn đạt hiệu quả cao, phát triển sản xuất sắn theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đưa nhiều giải pháp về kỹ thuật, giống cho giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền về đặc điểm, tác hại và cơ chế lây lan của bệnh khảm lá sắn cho người trồng sắn hiểu rõ và thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ. Phải tiêu hủy nguồn tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng, không sử dụng cây sắn từ những vùng đã bị nhiễm bệnh làm giống, phát hiện và tiêu hủy kịp thời những cây bệnh mới xuất hiện trên đồng ruộng, phun trừ bọ phấn để tránh lây lan.

Tăng cường chăm sóc, bón phân, tưới nước giúp cây sắn tăng khả năng chống chịu bệnh nhằm giảm thiệt hại. Nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát việc vận chuyển hom giống sắn ra khỏi vùng dịch hoặc sang địa phương khác; không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng.

Trong điều kiện khan hiếm nguồn giống sạch bệnh hiện nay, các địa phương cần hướng dẫn người dân chọn những ruộng sắn chưa bị nhiễm bệnh tập trung chăm sóc, bảo vệ để làm giống cho niên vụ đến; khảo sát chọn vùng sản xuất, lập kế hoạch tổ chức cho nông dân tự sản xuất giống sạch bệnh làm nguồn giống. Đồng thời, rà soát quy hoạch, kế hoạch hình thành các vùng trồng sắn tập trung, gắn nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng sắn theo hướng bền vững và hiệu quả kinh tế, chú trọng liên kết 4 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông,  nhà khoa học) trong phát triển cây sắn.

Bên cạnh đó, đối với diện tích sắn thường xuyên bị nhiễm bệnh khảm lá, vận động nông dân chuyển đổi dần sang các loại cây ̣ trồng khác như ngô, lạc… phù hợp theo từng chân đất. Đối với các vùng bị nhiễm bệnh khảm lá nặng nhưng không thể chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, khuyến cáo bà con tạm ngừng sản xuất 1 vụ để loại trừ mầm bệnh.

“Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương liên hệ với các cơ sở, viện nghiên cứu trong nước mua khoảng 200.000 hom giống sắn kháng bệnh hỗ trợ cho nông dân trồng trong niên vụ 2021-2022”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chỉ đạo, đồng thời đề nghị Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, doanh nghiệp quản lý 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở Quảng Ngãi đồng hành, hỗ trợ nguồn giống sạch kháng bệnh, chủ động liên kết, bình ổn giá thu mua cho nông dân trồng sắn.

Theo đồng chí Trần Phước Hiền, để giảm thiệt hại do dịch bệnh, giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập từ trồng sắn, ngoài việc chủ động cung ứng nguồn giống sạch kháng bệnh cho những năm đến, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn, triển khai cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất cây sắn; thực hiện chuỗi liên kết các hộ dân để thuận lợi triển khai hỗ trợ kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi, bảo đảm năng suất, đầu ra sản phẩm.