Phát triển bền vững vùng cây ăn quả phía nam

NDO -

Những năm qua, các địa phương phía nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát triển các vùng cây ăn quả theo hướng bền vững để bảo đảm thu nhập cho nhân dân. Hiện nay, ở một số địa phương đã hình thành những vùng cây ăn quả tập trung có liên kết mang lại thu nhập cao.

Bà con nông dân tỉnh Tiền Giang chăm sóc cây thanh long.
Bà con nông dân tỉnh Tiền Giang chăm sóc cây thanh long.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay khu vực phía nam có khoảng 676 nghìn ha trồng cây ăn quả. Trong đó khu vực Nam Bộ khoảng 489 ha và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên khoảng 187 ha.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã phát triển vùng nguyên liệu sản xuất và phục vụ xuất khẩu cây ăn quả với diện tích hơn 83 nghìn ha, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm. Để bảo đảm vùng sản xuất cây ăn quả đạt hiệu quả cao, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc mở rộng vùng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Minh, ấp Xóm Chủ, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) tâm sự: “Trước đây, vùng đất trồng lúa tại địa bàn do nhiễm mặn nên rất ít loại cây trồng phù hợp. Sau khi thấy cây thanh long phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế ổn định, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng thanh long. Hiện nay, gia đình tôi trồng 0,7ha thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, thu nhập trung bình hơn 400 triệu đồng”.

“Nhằm tạo điều kiện cho phát triển cây trồng mới, các hộ dân được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha để chuyển đổi. Ngoài ra, các vùng chuyển đổi được đầu tư điện cao thế, giao thông được nâng cấp, mở rộng để vận chuyển hàng hóa, hệ thống thủy lợi được quan tâm nạo vét. Hơn nữa, cơ quan chức năng địa phương cũng thường xuyên tổ chức hội thảo để hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và sản xuất theo quy trình an toàn, đồng thời hỗ trợ tìm đầu ra khi nông dân gặp khó trong khâu tiêu thụ”, ông Minh cho biết thêm.

Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ hiện có hơn 93 nghìn ha trồng cây ăn quả. Tại khu vực này hiện nay đã xuất hiện một số vùng sản xuất tập trung như Thanh Long tại Bình Thuận, nho, táo tại Ninh Thuận, xoài tại Khánh Hòa, ngoài ra một số đối tượng như bưởi, sầu riêng đang được mở rộng diện tích.

Hiện nay, một số cây ăn quả vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông), bơ (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) đang được nông dân mở rộng diện tích, đặc biệt trồng xen trong vườn cà-phê cho hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian qua, cây ăn quả phát huy được hiệu quả là do các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khi có hàng nghìn cây ăn quả đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao vào sản xuất; nhiều giống cây ăn quả mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất như: thanh long ruột đỏ, ruột tím, hồng; sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona, chôm chôm Dona; cam mật không hạt; nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn lai, nhãn Bảy Tô; chanh leo Đài Nông 1, bơ Booth7…

Mặt khác, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác được áp dụng trên quy mô hàng chục nghìn ha như: rải vụ thu hoạch, ghép cải tạo thay thế giống và trẻ hóa những vườn cây già cỗi; tỉa cành tạo tán, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung; quy trình nhân giống và sản xuất chuối tiêu từ cấy mô, quy trình công nghệ tác động giai đoạn ở cận và sau thu hoạch cho giống nhãn chín muộn, xử lý hóa chất khắc phục hiện tượng ra quả cách năm trên cây nhãn; sử dụng đèn tiết kiệm điện để xử lý ra hoa thanh long, kỹ thuật xử lý ra hoa xoài, nhãn nghịch vụ, cải thiện tăng đậu quả và chống rụng quả non; quy trình phòng trừ sâu đục cuống quả vải...

Những định hướng sản xuất trong thời gian tới

Nhằm phát huy hiệu quả vùng cây ăn quả khu vực phía nam, thời gian tới các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát thực hiện đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục rà soát tình hình sản xuất cây ăn quả trên địa bàn, xác định các đối tượng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế phát triển phù hợp đất đai, điều kiện sinh thái. Trên cơ sở rà soát, đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển bền vững, đặc biệt không phát triển các đối tượng cây trồng ngoài vùng quy hoạch.

Cơ quan chuyên môn các địa phương cần tăng cường dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên cây ăn quả để hướng dẫn người sản xuất phòng trừ kịp thời bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng; hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong nội và ngoại tỉnh; từng bước đưa các sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần tiếp tục triển khai kế hoạch chi tiết sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây để bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.