Nông dân phấn khởi vì giá tiêu tăng cao

NDO -

Hiện nay, nông dân ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thu hoạch tiêu niên vụ 2020-2021. Đúng thời gian này, giá tiêu trên thị trường liên tục tăng cao nên người nông dân hết sức vui mừng, phấn khởi. 

Người nông dân ở Đắk Lắk phấn khởi vì giá tiêu tăng cao.
Người nông dân ở Đắk Lắk phấn khởi vì giá tiêu tăng cao.

Về các vùng trọng điểm trồng tiêu ở Đắk Lắk trong những ngày này, không khí thu hoạch tiêu trở nên nhộn nhịp, tấp nập, không còn cảnh u ám, hiu quạnh như những năm trước đây.

Những ngày gần đây, giá tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng liên tục tăng cao từ 70.000 lên 75.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so đầu vụ thu hoạch cách đây hơn một tháng. Đây là mức cao nhất trong bốn năm trở lại đây và với mức giá này, người trồng tiêu đã có lãi.

IMG_2209-1615886233670.jpg
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch tiêu.

Theo chủ các doanh nghiệp thu mua tiêu xuất khẩu ở Tây Nguyên, nguyên nhân giá tiêu tăng vọt trong những ngày gần đây là do mấy năm trở lại đây, nguồn cung ở Việt Nam và nhiều nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khiến nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt; đồng thời do giá tiêu giảm thấp ở mức kỷ lục nên người trồng tiêu không đầu tư, thậm chí là chặt bỏ thay bằng loại cây trồng khác.

Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giá tiêu vẫn đang trên đà tăng cao và có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg vào cuối năm nay. Chu kỳ tăng giá tiêu được kéo dài từ năm 2006 đến 2015 là đỉnh điểm, có thời điểm đạt mức hơn 200.000 đồng/kg. Đến năm 2016, tiêu bắt đầu giảm giá mạnh cho đến năm 2020. Tới năm 2021, dự kiến tiêu sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng giá mới.

Trước thông tin giá tiêu liên tục tăng cao trong những ngày qua, về các vùng trồng tiêu ở Đắk Lắk như: Huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Búk, Ea H’leo… không khí thu hoạch tiêu diễn ra nhộn nhịp, tấp nập, người trồng tiêu nào cũng vui mừng, phấn khởi.

Dưới cái nắng hừng hực của tháng 3 Tây Nguyên, chúng tôi ghé thăm vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Tiêu, huyện Cư Kuin, lúc này trong vườn có 12 nhân công được ông Thành thuê thu hoạch tiêu. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành cho biết: “Gia đình trồng được hơn 2.000 trụ tiêu xen trong vườn cà-phê. Những năm trước, giá tiêu giảm thấp, đến mùa thu hoạch chỉ huy động người thân trong gia đình thu hái dần chứ không thuê nhân công, vì sẽ lỗ nặng. Còn năm nay, ngay từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá tiêu liên tục tăng cao nên tôi đã thuê nhân công ở địa phương thu hái cho nhanh. Vừa thu hoạch, hằng ngày tôi vừa theo dõi tin tức về giá tiêu, nếu dự báo giá tiêu sẽ giảm thì thu hoạch được chừng nào về phơi khô là bán liền. Tuy nhiên, mấy ngày nay qua theo dõi, nghe các chuyên gia dự báo giá tiêu còn tiếp tục tăng nên sau khi thu hoạch về phơi khô, tôi trữ lại, chờ giá lên cao hơn nữa mới bán”.

“Hy vọng rằng, giá tiêu sẽ còn tăng hơn nữa và giữ ở mức cao để người trồng tiêu bớt khổ, gỡ gạt lại vốn đã đầu tư và cải thiện đời sống, chứ giá thấp như những năm qua, người trồng tiêu chúng tôi đã cùng cực lắm rồi”, ông Thành bộc bạch.

Còn ông Trần Thanh Hiền ở xã Ea Tar, huyện Cư M’gar chia sẻ: “Gia đình tôi trồng được 2ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Chỉ năm trước đây thôi, vào vụ thu hoạch, giá tiêu ở mức thấp kỷ lục nên không khí hiu quạnh, vườn gia đình nào thì gia đình đó tự thu hoạch, vì thuê nhân công không đủ tiền trả. Còn năm nay, mới đầu vụ thu hoạch giá tiêu đã liên tục tăng cao và đến thời điểm này đạt mức 75.000 đồng/kg. Với giá này người trồng tiêu đã có lãi. Đáng mừng hơn nữa, theo dự báo, trong thời gian tới giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng, có khả năng đạt mức 100.000 đồng/kg. Vì vậy, những ngày qua, gia đình tôi thuê năm đến bảy người thu hái liên tục. Dự kiến năm nay thu được khoảng hơn 5 tấn tiêu khô, sau khi thu hoạch xong tôi bán một ít để chi trả tiền nhân công và đầu tư mua xăng dầu tưới nước, mua phân bón cho vụ tới, số còn lại chờ giá lên cao hơn nữa mới bán”.

IMG_9383-1615886234175.JPG
 Hồ tiêu, một trong những cây trồng chủ lực ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo nhiều nông dân ở Đắk Lắk, dù tiêu đang được giá cao nhưng vụ năm nay, sản lượng bị sụt giảm mạnh, thậm chí có nơi giảm sút đến 30-40%. Thêm vào đó, bệnh hại trên cây tiêu chưa được xử lý triệt để cũng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Theo chủ các doanh nghiệp thu mua tiêu xuất khẩu ở Tây Nguyên, do giá tiêu liên tục tăng cao nên người trồng tiêu đang có tâm lý găm hàng; thương lái cũng tỏa đi các tỉnh gom hàng, chờ giá tăng thêm. Thực tế, lượng hàng vụ mới ra thị trường chưa nhiều càng khiến nguồn cung tiêu thiếu cục bộ tại thời điểm hiện tại. Việc khan hiến nguồn cung đã đẩy giá tiêu lên cao khiến các công ty xuất khẩu vào thế khó vì đã đến hạn giao hàng nhưng chưa gom đủ số lượng.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến nghị người trồng tiêu nên cân nhắc, bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cán cân cung - cầu rất khó đoán định. Các đại lý thu gom cũng cần thận trọng, không nên ồ ạt gom hàng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, giá xuất khẩu bình quân tiêu trong tháng 2-2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so tháng 1-2021 và tăng 31,4% so tháng 2-2020. Tính chung hai tháng đầu năm 2021, giá tiêu xuất khẩu bình quân ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so cùng kỳ năm 2020.