Nhà máy chế biến phải tạm ngưng, dân lo sắn thối do mưa ngập

NDO -

Hàng nghìn ha sắn nguyên liệu của nông dân tỉnh Quảng Bình vào vụ thu hoạch nhưng đang gặp khó vì dịch bệnh và mưa lũ. Trong khi các nhà máy chế biến phải dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể trở lại hoạt động do đang chờ thẩm định phương án “3 tại chỗ”. 

Nông dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thu hoạch sắn nguyên liệu vùng bị ngập nước
Nông dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thu hoạch sắn nguyên liệu vùng bị ngập nước

Vụ sắn năm nay, nông dân Quảng Bình trồng hơn 6.300 ha sắn nguyên liệu với giống KM 94. Thông thường đầu tháng 9 là bước vào vụ thu hoạch nhưng năm nay, tiến độ thu hoạch rất chậm, nguyên nhân là do vùng trồng sắn nằm chủ yếu ở huyện Bố Trạch, nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên người dân không thể đi lại được. Các nhà máy thu mua, chế biến tinh bột sắn cũng trong vùng phong tỏa nên phải tạm dừng sản xuất.

Những ngày này, mưa to đã làm một số diện tích sắn nguyên liệu ở vùng thấp trũng Bố Trạch ngập úng, trong khi nông dân sốt ruột lo thiệt hại đối với sản xuất.

Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, để hạn chế thiệt hại do thiên tai, huyện chỉ đạo ưu tiên thu hoạch, tiêu thụ sắn nguyên liệu ở các vùng thấp trũng như vùng Chà Nòi, xã Xuân Trạch, các vùng thấp trũng tại Nam Trạch, Hòa Trạch, Phú Định. Chính quyền cho phép số ít người dân ra đồng nhổ, vận chuyển sắn nhưng phải bảo đảm quy định phòng chống dịch; đồng thời huy động lực lượng vũ trang giúp người dân thu hoạch sắn. Đối với diện tích ít bị ảnh hưởng do mưa lũ, sẽ thu hoạch dần. 

Dù mưa to nhưng trên vùng đồng thấp của xã Nam Trạch, từng nhóm bà con đang đội mưa thu hoạch sắn. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch Đoàn Ngọc Nhân cho biết, toàn xã trồng gần 450 ha sắn nguyên liệu, trong đó diện tích bị mưa ngập khoảng 45 ha. Xã tổ chức các tổ, nhóm thu hoạch sắn trong điều kiện phải phòng, chống dịch. Do nhà máy chế biến trong tỉnh chưa hoạt động nên sắn nguyên liệu chủ yếu bán cho tư thương chở ra ngoài tỉnh. Cũng vì vậy, nông dân cũng chưa thể tăng diện tích thu hoạch lên được. 

Ông Võ Văn Khánh ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch đang thu hoạch sắn bị ngập nước cho biết, cuối tháng 8, nhà máy chế biến trên địa bàn đến đặt vấn đề mua sắn nguyên liệu với giá 2 triệu đồng/tấn, tương đương 40 triệu đồng/ha. Nhưng nay do dịch bệnh, nhà máy chưa hoạt động, bà con phải bán cho tư thương thu mua với giá 1,8 triệu đồng/ tấn.

“Dù thấp hơn giá đầu vụ nhưng trong điều kiện mưa gió thế này nếu không thu hoạch, sắn sẽ thối hỏng. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn, các nhà máy sớm trở lại sản xuất để hỗ trợ và giảm bớt khó khăn cho người trồng sắn”- ông Khánh chia sẻ. 

Quảng Bình hiện có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu nhưng hiện cả 2 đều dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì thế, việc tiêu thụ sắn nguyên liệu trong tỉnh cũng đang chậm do chỉ thông qua việc thu mua của thương lái cho các doanh nghiệp sản xuất ở các tỉnh bạn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình Lê Xuân Tứ cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.000 ha diện tích sắn nằm trong vùng thấp trũng cần thu hoạch ngay nhưng với tiến độ tiêu thụ thế này thì quá chậm, lại thiếu chủ động khiến nông dân lo lắng khi không kịp thu hoạch thì sắn sẽ bị thối củ, giảm năng suất, thậm chí để lâu có thể mất trắng. 

Gỡ vướng trong sản xuất mùa dịch để thu mua sắn nguyên liệu cho nông dân -0
 Các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong tỉnh dừng hoạt động, nông dân Quảng Bình phải bán sắn nguyên liệu giá rẻ hơn ra ngoài tỉnh.

Người dân lo lắng nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn tại Quảng Bình cũng sốt ruột không kém khi chưa thể trở lại sản xuất. Giám đốc Nhà máy tinh bột Long Giang (Công ty cổ phẩn tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh) Lê Văn Thơ cho biết, từ giữa tháng 8, nhà máy đã ký hợp đồng tiêu thụ sắn nguyên liệu với người trồng nhưng chưa kịp thu mua thì dịch bệnh xảy ra phải tạm dừng hoạt động từ đó đến nay.

Hiện, giá tinh bột xuất khẩu cũng khá cao nên đây là cơ hội thuận lợi cho sản xuất nhưng hiện vướng mắc nhất là việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” do doanh nghiệp còn lúng túng và còn mất thêm thời gian cho khâu thẩm định, cấp phép… Tuần qua, nhà máy đã nộp hồ sơ sản xuất “3 tại chỗ” cho cơ quan chức năng của tỉnh và đang chờ thẩm định nên rất mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở lại sản xuất an toàn để hỗ trợ cho người nông dân.  

Còn theo Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh ông Nguyễn Thế Vương, nhà máy công suất 400 tấn nguyên liệu ngày đêm với 94 lao động, nếu hoạt động trở lại theo phương án “3 tại chỗ” thì giảm xuống chỉ còn khoảng 50 lao động. Khi đó nhà máy sẽ chia làm 2 ca và 3 kíp để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho công nhân.

Tuy nhiên, để nhà máy hoạt động thì còn một số thủ tục phải hoàn tất như việc tổ chức thu mua sắn nguyên liệu, test nhanh hay phải xét nghiệm PCR.

“Qua tìm hiểu biết được việc xét nghiệm PCR trong tỉnh hiện quá tải nên cũng khó, chúng tôi phải chuyển qua test nhanh ngay tại cổng nhà máy cho người lao động. Nhưng thủ tục này cũng phải chờ quyết định của UBND tỉnh”- ông Vương phần trần. 

Vẫn biết, việc áp dụng các quy định an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất là chưa có tiền lệ nên đã xuất hiện những lúng túng nhất định từ cơ quan chức năng đến bản thân mỗi doanh nghiệp. Song trong điều kiện dịch bệnh dần được không chế, việc tạo điệu kiện thuận lợi, nhanh chóng để doanh nghiệp trở lại sản xuất là điều rất cần thiết để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Do vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình sớm có chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh để các doanh nghiệp đi vào sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu vừa hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản. Không thể để tình trạng sản xuất nông nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 và ảnh hưởng của thiên tai kéo dài thêm.