Người nuôi dê ở Đồng Nai “khóc ròng” do không có đầu ra

NDO -

Nhiều hộ chăn nuôi dê tại tỉnh Đồng Nai đang thua lỗ nặng khi đến kỳ xuất bán nhưng không có người mua. Dê không bán được khiến nhiều nông dân ngậm ngùi bán tài sản để trả tiền con giống, thức ăn mua nợ đại lý trước đó…

Chị Phạm Thị Mỳ chăm sóc đàn dê đã quá kỳ xuất bán 5 tháng.
Chị Phạm Thị Mỳ chăm sóc đàn dê đã quá kỳ xuất bán 5 tháng.

Gia đình chị Phạm Thị Mỳ ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có 97 con dê đã quá lứa 5 tháng, mỗi con hiện cân nặng hơn 50kg. Theo chị Mỳ, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 7, lứa dê này đã đủ ký để xuất bán, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh các hoạt động kinh doanh, buôn bán tạm ngưng, thương lái không thu mua nên không bán được. Do vậy, nhà chị đành phải nuôi kiểu cầm chừng, giảm lượng thức ăn nên chất lượng dê không đạt, thương lái cũng không mặn mà.

“Nhiều năm nuôi dê chưa bao giờ lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như hiện nay. Bởi, khi mua con giống mỗi kg đã hơn 190 nghìn đồng, giờ bán chỉ được 70 nghìn đồng/kg, nhưng cũng rất ít người mua”, chị Mỳ than thở…

Chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình chị Mỳ đã khốn đốn, thì các hộ chăn nuôi lớn càng “khóc ròng” do dê không xuất bán được, nếu có bán được cũng bị ép giá. Anh Dương Dậu Xìn cũng ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ cho biết, gia đình anh có hơn 600 con dê thương phẩm. Lứa dê trước, chỉ cần đủ ký là có thương lái đến tận chuồng thu mua xuất bán sang thị trường nước ngoài. Mấy tháng nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến đầu ra gặp khó khăn.

Người nuôi dê ở Đồng Nai “khóc ròng” do không có đầu ra -0
 Anh Dương Dậu Xìn buộc phải bán 5 sào đất để có tiền trả nợ đầu tư chăn nuôi do đàn dê không có người mua.

Hiện, đàn dê của anh đã đạt trọng lượng từ 60 đến 70 kg/con. Do nuôi lâu, đàn dê đã quá ký, trong khi thương lái chỉ thu mua dê dưới 42 kg/con. Dê không bán được, đại lý đòi tiền cám, tiền con giống với số tiền thua lỗ hơn 1 tỷ đồng, buộc anh Xìn phải ngậm ngùi bán 5 sào đất để có tiền nợ.

“Người ta chỉ mua dê “hơi” từ 42 kg/con trở xuống, còn nếu những con quá ký bán cũng không được tính tiền số ký vượt. Giá quá rẻ cộng với rất ít thương lái mua, khiến mỗi con tính toán thua lỗ khoảng 2 triệu đồng”, anh Xìn cho biết…

Toàn huyện Cẩm Mỹ hiện có khoảng 70 nghìn con dê, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Tây, Xuân Đông, Lâm San. Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, hiện nay còn khoảng 150 tấn dê “hơi” đã đến kỳ xuất bán chưa tiêu thụ được do không có người thu mua.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ Ngô Hữu Phụng, để hỗ trợ người chăn nuôi dê tìm đầu ra, phòng đã liên kết với một số đơn vị tiêu thụ. Tuy nhiên, qua kết nối các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong liên kết với đơn vị thứ 3 như nhà hàng, quán ăn do dịch vụ ăn uống hiện nay còn hạn chế lượng khách tiêu thụ. Do vậy, không giải quyết được nhiều, chủ yếu tiêu thụ ở các đơn vị nhỏ lẻ, không thấm vào đâu so với tổng đàn dê đến kỳ xuất bán trên địa bàn.

Được biết, tình trạng dê không tiêu thụ được không chỉ ở huyện Cẩm Mỹ mà cũng diễn ra tại một số địa phương có nhiều người chăn nuôi dê ở Đồng Nai. Mặc dù là vật nuôi có thể tận dụng thêm được thức ăn tự nhiên, nhưng để duy trì tổng đàn lớn là rất khó khăn. Dê nuôi quá lớn chất lượng thịt sẽ giảm, giá thành cũng không cao, càng nuôi càng lỗ. Đây cũng là bài toàn khó cho người chăn nuôi dê hiện nay nếu không sớm tìm được thị trường tiêu thụ.