Nghịch lý trong phát triển chế biến miến dong ở Bắc Kạn

NDO -

Sản xuất sản phẩm miến dong ở Bắc Kạn tạo được tiếng vang, sản lượng không đủ cung ứng thị trường nhưng diện tích trồng dong riềng lại giảm. Nhiều đơn hàng lớn nhưng Bắc Kạn không đáp ứng được, lỡ cơ hội phát triển. Nghịch lý này đang đe dọa tới sự phát triển bền vững của một trong những sản phẩm OCOP hàng đầu của tỉnh miền núi này.

Hoạt động đóng gói miến tại một cơ sở chế biến ở xã Côn Minh, huyện Na Rì. (Ảnh: NGỌC TÚ)
Hoạt động đóng gói miến tại một cơ sở chế biến ở xã Côn Minh, huyện Na Rì. (Ảnh: NGỌC TÚ)

Giai đoạn 2020-2025, Bắc Kạn đặt mục tiêu sẽ phát triển diện tích trồng dong riềng ổn định từ 800-1.000ha, sản lượng củ 59.000 tấn, chế biến được 8.000 tấn tinh bột và 4.800 tấn miến. Những nỗ lực hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, kết nối tiêu thụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bắc Kạn hiện đã có tới 9 sản phẩm miến dong đạt OCOP 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao OCOP quốc gia và đã xuất khẩu sang châu Âu. 

Những tưởng thành quả ấy sẽ tạo động lực lớn để đưa sản xuất, chế biến miến dong trở thành công nghiệp chế biến mạnh của Bắc Kạn thì nay diện tích trồng dong riềng ngày càng giảm, đe dọa vùng nguyên liệu bền vững. 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, từ 2020 đến nay, diện tích trồng dong giảm vài chục ha mỗi năm, số diện tích trồng được chỉ hơn một nửa so chỉ tiêu đặt ra là từ 800-1.000ha/năm. Nếu như năm 2020, Bắc Kạn trồng được 494ha, đến năm 2021 đã giảm xuống còn 465ha và năm 2022 dự kiến sẽ chỉ còn 445ha. 

Diện tích giảm dẫn tới sản lượng giảm hàng nghìn tấn củ mỗi năm. Do đó, năm 2021, sản lượng miến dong của Bắc Kạn chỉ đạt 2.585 tấn, bằng hơn 53% so mục tiêu đề ra. Số dong củ nguyên liệu hiện tạm đủ đáp ứng cho 25 cơ sở chế biến miến dong trên toàn tỉnh. Vùng nguyên liệu giảm nhưng thực tế các cơ sở chế biến miến dong chỉ tiêu thụ được 73% lượng tinh bột dong còn lại xuất bán ra ngoại tỉnh. Nhiều cơ sở chế biến bỏ lỡ cơ hội mở rộng sản xuất, như: cơ sở chế biến miến dong Nhất Thiện (Ba Bể) từng có đơn hàng tới 450 tấn/năm nhưng đành bỏ vì không đáp ứng đủ số lượng. Miến Bắc Kạn xuất hiện ở hầu hết các hệ thống siêu thị nhưng chỉ ở mức số lượng nhỏ, không đáp ứng được số lượng nhiều đơn vị có nhu cầu. 

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, diện tích trồng dong giảm là do giá phân bón tăng cao, thiếu nhân lực, giá bán dong củ thấp. Quá trình canh tác chưa có sự chỉ đạo, vào cuộc của cơ quan chuyên môn dẫn đến người dân chưa thâm canh trong sản xuất, chưa xử lý phụ phẩm sau chế biến làm phân hữu cơ cải tạo đất làm nhiều diện tích thoái hóa, năng suất thấp. Đặc biệt, nhiều địa phương lơ là, thiếu quan tâm chỉ đạo phát triển cây dong riềng và chế biến miến dong. 

Hiện tại, đa số các cơ sở chế biến ở Bắc Kạn gần như đều đã đạt tới “ngưỡng” sản xuất, không chủ động, năng động mở rộng sản xuất. Do đó, đa phần mang tính nhỏ lẻ, hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ, chưa nâng cấp sản phẩm... Những hợp tác xã muốn mở rộng thì “lực bất tòng tâm” vì không có quỹ đất dành cho nhà xưởng, không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng đầu tư. Điều này dẫn tới nguy cơ làm mất thương hiệu, giảm diện tích, sản lượng, thiếu bền vững trong lâu dài. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, tỉnh đang rất thiếu nhà đầu tư chế biến quy mô lớn miến dong. Trên cơ sở danh tiếng, thương hiệu, tiềm năng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước như hiện nay, nếu có nhà đầu tư sẽ chắc chắn tạo đột phá, phát triển bền vững vùng trồng nguyên liệu. 

Trên thực tế, dư địa phát triển trồng, chế biến miến dong của Bắc Kạn rất lớn. Những năm trước, có thời điểm diện tích trồng toàn tỉnh lên tới khoảng 2.000ha. Tuy nhiên, cơ sở chế biến có năng lực sản xuất lớn nhất tại Bắc Kạn cũng chỉ đạt khoảng 300 tấn miến/năm. Do đó, những đơn hàng vượt trên con số này đều trở thành quá sức. Trong bối cảnh hiện tại, nếu cứ liên tục từ chối các đơn hàng với số lượng lớn thì nguy cơ đánh mất thành quả những năm qua của Bắc Kạn là rõ ràng. Dù chế biến miến dong là thế mạnh, giá trị kinh tế mang lại có thể lên tới vài trăm tỷ/năm nếu có sản xuất lớn nhưng lại chưa được đưa vào danh mục kêu gọi thu hút đầu tư của Bắc Kạn.

Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương phối hợp các địa phương xây dựng hệ thống giải pháp kỹ thuật để phát triển vùng trồng dong riềng bảo đảm mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2020-2025. Tỉnh giao các sở Công thương, Kế hoạch và đầu tư phối hợp thu hút kêu gọi nhà đầu tư tham gia liên kết mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ để gia tăng giá trị, quy mô sản xuất miến dong. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết thêm, tỉnh đã chỉ đạo sở Công thương phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa lĩnh vực chế biến miến dong vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh. Để phục vụ thu hút nhà đầu tư, tỉnh đồng thời yêu cầu các ngành liên quan, địa phương phải xây dựng kế hoạch phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý miến dong Bắc Kạn; quản lý chặt chẽ thị trường tinh bột; mở rộng diện tích đi đôi với hài hòa lợi ích giữa người trồng với cơ sở chế biến.