Mùa cá buồn ở An Giang

NDO -

Lại một con nước buồn với ngư dân vùng đầu nguồn An Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đầu mùa nước nổi, ai cũng ngóng nước nổi tràn về mang theo phù sa, tôm cá giúp người dân mưu sinh trong lúc dịch Covid-19 bùng phát.

Những năm trước, nước nổi tràn đồng mang theo nhiều tôm cá.
Những năm trước, nước nổi tràn đồng mang theo nhiều tôm cá.

Nhưng bao mong chờ rồi thất vọng, như thông lệ cuối tháng 6 dương lịch, theo chu kỳ, nước sông có màu trong xanh dần dần “chuyển dạ” sang màu đùng đục đón đứa con thiên nhiên mùa nước nổi hay còn còn gọi mùa lũ. Nhưng con nước đổi màu rồi ngày qua ngày lại đứng lặng yên, nước không dâng cao tràn vào ruộng đồng, kênh rạch. Người dân thở dài, như vậy là lập lại như hai năm trước, năm nay nước nổi lại rất thấp và như thế đồng nghĩa với không có nước là tôm cá không nhiều.

Mùa cá muộn

Nước nổi từ thượng nguồn tràn về mang theo tôm cá cho ngư dân và phù sa màu mỡ vào ruộng đồng giúp nhà nông cải tạo lại đất đai tươi tốt hơn. Thế nên, cứ tháng 7 người dân vùng châu thổ lại nôn nào chờ nước về như chờ người thân. Thế rồi, tháng 7 này, con nước đứng im, người dân hy vọng tháng 8, 9 nước về dâng cao hơn nhưng rồi tắt ngúm trôi theo con nước.

Trong tháng 8/2021, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang phát thông tin, tổng lượng dòng chảy sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Tới ngày 25/9 lại phát tin, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất năm (đỉnh lũ) trên sông Hậu tại Khánh An, Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức dưới báo động 1.

anh_3_nhung_nam_truoc_cac_cho_mu-1632733847324.JPG
 Những năm trước, các chợ cá đều buôn bán cá linh đều nhộn nhịp.

Nước lũ về mang nhiều tôm cá, trong đó có loài cá linh là đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi. Từ đầu nguồn tràn về sông rạch, cá linh bé li ti bơi vào những cánh đồng ngập nước ấn mình, khi lớn chúng bơi ngược về thượng nguồn cho người dân đánh bắt cung ứng cho thị trường làm nước chắm (mắm) cá linh hay chế biến các món ăn ngon miệng.

Thông thường, tháng 8 là có linh xuất hiện nhưng đầu tháng 9, anh Nguyễn Văn Thông, ngư dân ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu nói :“Những năm mùa nước nổi trước kia, người dân đều chuẩn bị ngư cụ như: Dớn, lưới, lọp đánh bắt thủy sản. Nhưng năm nay thất thu cá tôm rồi, do tháng này mà nước nổi còn thấp hơn năm rồi, cá linh về muộn, trái quy luật tự nhiên nên cá ít lắm”.

Từ tháng 8 đến đầu tháng 9, anh Thiều Vĩnh Phúc, ngụ ở phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu  theo thói quen ra chợ mua cá linh non về chế biến cá linh nhồi bột, cá linh kho lạt… Mãi tới ngày 12/9, ra chợ Tân Châu mới thấy có bán mớ cá linh non nên Phúc vui quá mua nhiều dù giá cá rất cao 250.000 đồng/kg. Trao đổi với chúng tôi, Phúc than, sống ở đầu nguồn sống Tiền lắm cá tôm nhưng không ngờ ba mùa lũ gần đây cá linh về ngày càng muộn mằn.

Năm rồi, lũ thấp và cá linh cũng theo nước về muộn, nên gần Tết cổ truyền nhưng nhiều ngư dân ở thị xã Tân Châu còn thả lưới đánh bắt cá trên sông Tiền. Khi đó, tại phường Long Thạnh, chúng tôi bắt gặp những ngư dân đang mang cá linh lên lề đường bán cho khách. Ngư dân nói, cá linh năm nay trên sông không nhiều nên bắt được bao nhiêu cũng không đủ bán và giá cá cũng cao nên ngư dân kiếm thêm được mớ tiền đón tết.

Làng nghề hiu hắt

Những năm trước, sau tháng tháng 9, qua các vùng đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền, tứ giác Long Xuyên sẽ thấy các cánh đồng ngập nước lô nhô bóng ngư dân kéo cá, đặt lọp, chài cá, kéo vó. Còn dọc các con đường quê, các ngư dân ngồi lựa phân loại cá linh, cá heo, cá chốt, cá sát, cá lăng, cá kết ra để riêng vì mỗi loài cá có giá trị riêng. Nhiều con đường quê tràn ngập tiếng nói cười của các cô các chị đang làm thuê cắt đầu cá chốt, cá linh…

Còn bây giờ, về các cánh đồng quê thấy cỏ mọc cao, nhiều bầy trâu thong dong ăn cỏ trên đồng. Tới huyện đầu nguồn An Phú dọc theo sông Hậu thấy nước sông đục ngầu nhưng mực nước vẫn thấp như chưa có nước nổi về. Và cồn Cóc nằm ven sông thuộc xã Phước Hưng vào mùa nước nổi luôn sôi động với nghề đan tre làm lọp bắt cá linh. Nhưng mùa nước này làng nghề vắng tanh.

Trao đổi qua điện thoại, anh Nguyễn Minh Ngà, một trong những hộ làm lọp cá linh ở khu vực cồn Cóc cho biết, năm rồi nước nổi thấp nên làm lọp bán rất ế, năm nay tình hình còn tệ hơn.

anh_4_nhieu_phu_nu_vung_que_kiem-1632733846837.jpg
Nhiều phụ nữ làng quê kiếm tiền từ làm cá thuê. 

Ngà tâm sự, những năm trước, nước nổi về tràn đồng, bao phủ cả cồn nên nhiều tôm cá lắm nên ngư dân đặt mua lọp liên tục, làm không kịp giao. Như Ngà, vừa làm lọp vừa đi đặt lọp bắt cá linh, một ngày dính vài chục kg cá linh nên cuộc sống no đủ. Nhưng hai mùa nước liên tiếp người dân cồn Cóc đều buồn vì lúc dịch bệnh bùng phát, ai cũng ngóng trông con nước tự nhiên để rồi như sự trêu người. Mà cá linh về ít sẽ kéo theo các loài cá trong tự nhiên cũng giảm sút theo vì cá linh là chuỗi thức ăn của các loài cá thuộc nhóm cá trắng, cá đen.

Xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú là vùng đầu nguồn sông Hậu nên mùa nước nổi lắm cá tôm nhưng mùa này nước mặt nước bò lên lé đé không tràn đồng nên ngư dân lao đao theo con nước. Chị Trần Thị Chén, ngụ xã Vĩnh Hội Đông chuyên thu mua cá linh bỏ mối lại cho các nơi cho biết, nước năm nay thấp kéo theo cá linh về muộn nhưng số lượng rất ít nên ngư dân đánh bắt không được bao nhiêu.

Chị Chén chán nản nói: “Ba năm nay nước nổi thấp quá nhưng năm nay mùa cá linh này cho thấy dấu hiệu tệ hại hơn các năm trước. Giá cao từ 200.000 đồng/kg trở lên nhưng vẫn không đủ giao, mà Vĩnh Hội Đông như rốn cá, cá nơi này ít thì các nơi khác sao có nhiều được!”.