Liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây vụ đông ở Hà Nam

NDO -

Vụ đông được coi là vụ sản xuất chính của nhiều nông dân tỉnh Hà Nam. Năm nay, trong bối cảnh kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, vụ đông càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm lương thực, thực phẩm dịp cuối năm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.

Người nông dân chăm chút cho ruộng dưa. (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)
Người nông dân chăm chút cho ruộng dưa. (Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG)

Để nâng cao giá trị cây trồng vụ đông, nhiều diện tích cây vụ đông của tỉnh Hà Nam được các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đứng ra ký kết với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ngay từ đầu vụ để tiêu thụ sản phẩm giúp cho xã viên yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ cây vụ đông.

Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng nhiều năm nay luôn duy trì gần 100 ha trồng cây vụ đông, trong đó, chủ yếu là cây dưa chuột. Ngay từ đầu vụ, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm dưa chuột. Tại địa phương, vào thời điểm này, nông dân trong xã đang thu hoạch rộ. Theo tính toán, dưa loại 1 đang được thu mua là 7.000 đồng/kg, loại 2 là 5.000 đồng/kg, người trồng dưa đang thu lãi khoảng 7 đến 10 triệu đồng/sào.

Vừa thoăn thoắt thu hái dưa, bà Phan Thị Sính, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, vui vẻ cho biết: "Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã ký hợp đồng với công ty là họ thu mua hết, số lượng bao nhiêu cũng được, miễn là dưa phải bảo đảm theo yêu cầu của công ty. Nói chung là trồng cây dưa xuất khẩu mà liên kết được đầu ra rồi thì so với những cây khác, trồng cây dưa xuất khẩu vẫn là hơn bởi vì thời gian trồng ngắn, mà nhanh được thu hoạch".

Ông Nguyễn Xuân Đốc, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, người đã đồng hành nhiều năm cùng nông dân trồng cây vụ đông cho rằng: "Đối với cây vụ đông, do thu hoạch tập trung ồ ạt, nên việc liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm là rất quan trọng, bởi người nông dân hiện nay chỉ biết sản xuất, còn lại khâu chế biến và bảo quản nông sản là chưa thể làm được. Vì thế mà chúng tôi xác định khâu tiêu thụ sản phẩm vụ đông là rất quan trọng. Bao giờ cũng vậy, ngay từ khi xuống giống trồng cây vụ đông là chúng tôi đã liên hệ ký trước hợp đồng với các công ty. Bảo đảm khi mà sản phẩm của nông dân thu hoạch thì công ty đều thu mua hết cho bà con".

Tại xã An Ninh, huyện Bình Lục, cây bí đỏ đã trở thành cây hàng hóa vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nhiều năm qua. Vụ đông này, xã sản xuất gần 200 ha; trong đó, chủ yếu là cây bí đỏ. Với giống bí mới chất lượng tốt rất được ưa chuộng, nên bí được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ từ đầu vụ và thu mua ngay tại ruộng.

Bà Hà Thị Lục, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Ninh, huyện Bình Lục chia sẻ: "Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khi vào vụ chúng tôi cũng có chút lo lắng về việc tiêu thụ hàng hóa của hợp tác xã. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi tổ chức họp từng nhóm hộ xã viên để làm công tác tư tưởng, động viên bà con yên tâm sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi đã chủ động liên kết để ký hợp đồng sớm với đối tác bao tiêu sản phẩm cho bà con; đồng thời, chuẩn bị giống vốn sớm. Đến nay, chúng tôi rất mừng là vụ đông năm nay, được mùa, được giá, bà con sản xuất đến đâu, được tiêu thụ hết đến đó".

Từ nhiều năm nay, diện tích cây vụ đông của tỉnh Hà Nam luôn duy trì từ 10.000 đến 11.000 ha, chủ yếu là những cây trồng hàng hóa. Để bảo đảm sản xuất cây vụ đông đạt hiệu quả, các địa phương tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đại lý ngay từ đầu vụ; trong đó, nhiều loại cây trồng được ký kết tiêu thụ sản phẩm đạt cao như: dưa chuột, cây bí đỏ đạt 90% diện tích, ngô nếp hơn 60%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, cho biết: Ngay từ khi sản xuất cây vụ đông thì nghành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh xây dựng kế hoạch rất chi tiết cho từng huyện, từng loại cây trồng đang có lợi thế về thị trường và đạt giá trị năng suất cao. Cụ thể là các loại cây trồng hàng hóa như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô ngọt, ngô nếp… Đồng thời giao các hợp tác xã chủ động đứng ra liên kết tìm các doanh nghiệp, các đối tác tư nhân để ký bao tiêu sản phẩm trước khi gieo trồng cho bà con, giúp bà con yên tâm sản xuất. Nhờ đó, mấy năm vừa qua, Hà Nam luôn giữ ổn định được diện tích cây trồng vụ đông hàng hóa, mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.

Vấn đề tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là khâu quan trọng, quyết định sự thắng lợi của sản xuất nông nghiệp nói chung và cây vụ đông nói riêng. Nhờ chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nông dân Hà Nam ngày càng gắn bó với đồng ruộng, yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.