Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ ở Đắk Lắk

NDO -

Bằng ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, trong những năm qua, nhiều bạn trẻ ở Đắk Lắk đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh, làm giàu ngay tại buôn làng, quê hương mình. Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công không chỉ đưa gia đình thoát khỏi nghèo khó vươn lên trong cuộc sống mà còn truyền cảm hứng lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ khắp các buôn làng Tây Nguyên.

Chị H’Bích Niê Kđăm, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc ca giới thiệu sản phẩm mắc ca của công ty cho khách hàng.
Chị H’Bích Niê Kđăm, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc ca giới thiệu sản phẩm mắc ca của công ty cho khách hàng.

Tạo cảm hứng cho phong trào khởi nghiệp

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” từ năm 2016 đến nay, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, ngay từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và năm 2021 tiếp tục ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ ở Đắk Lắk -0
Nhiều bạn trẻ ở Đắk Lắk hào hứng tham gia Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2019. 

Trên cơ sở hai kế hoạch này, tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển. Trong đó, nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng về hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với việc đưa vào hoạt động Không gian làm việc chung về khởi nghiệp; tổ chức thành công hai cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2018 và năm 2020; tổ chức Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2019 và năm 2020; thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với nguồn kinh phí gần hai tỷ đồng và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng về khởi nghiệp.

Đặc biệt, trong ba năm qua tỉnh tổ chức cà-phê doanh nhân hằng tuần giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các doanh nghiệp; thứ Năm hằng tuần, UBND tỉnh dành một buổi để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp… Thông qua đó đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên thay đổi tư duy, lập nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk Phạm Đông Thanh nhận xét: Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở Đắk Lắk lại thuận lợi và phát triển mạnh như hiện nay. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của lãnh đạo tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cùng với Hội Liên hiệp Thanh niên Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh thường xuyên về các huyện, xã vùng sâu tổ chức các hội thảo, hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa tinh thần, cảm hứng khởi nghiệp, làm giàu cho các bạn trẻ. Đồng thời, tích cực phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh tổ chức các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để kết nối giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp mới khởi nghiệp…

Thông qua các hoạt động này đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên toàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên, được các bộ, ngành đánh giá là một trong những tỉnh có phong trào khởi nghiệp sôi nổi của khu vực và cả nước.

Táo bạo khởi nghiệp giữa buôn làng

Về huyện Krông Năng hỏi thăm chị H’Bích Niê Kđăm, ở Wiao A, thị trấn Krông Năng thì ai cũng biết. Bởi chị H’Bích vừa là nhân viên Văn thư - thư viện của một trường tiểu học trên địa bàn, vừa là Giám đốc Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc ca.

Chị H’Bích chia sẻ: Năm 2015, khi phong trào trồng cây mắc ca ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh, vợ chồng chị đã quyết định thành lập Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc ca để ươm và bán giống cho người dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc kinh doanh cây giống mắc ca không thuận lợi do thời điểm này có thông tin việc trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên không có trái và không ai mua.

Sau đó, chị lại mày mò tìm hiểu về trái mắc ca và đầu tư làm nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, công nghệ sấy, tách vỏ mắc ca… để chế biến, kinh doanh hạt mắc ca từ đó đến nay.

Vượt qua bao nhiêu khó khăn, đến nay công ty của chị vừa kinh doanh sản phẩm hạt mắc ca, vừa chế biến, kinh doanh rượu cần truyền thống Ê đê, với các thương hiệu: Rượu cần mắc ca, cà-phê mắc ca… mỗi năm đạt doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho tám lao động và 30 lao động theo mùa vụ là người dân ở địa phương.

Đối với chàng trai Ê đê Y Pốt Niê ở buôn Kla, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana cũng vì đam mê kinh doanh mà bỏ cả nghề y đã bao năm vất vả theo học. Năm 2015, Y Pốt Niê ra trường với tấm bằng bác sĩ đông y và xin vào làm việc tại Bệnh viện 175 ở TP Hồ Chí Minh. Sau một năm làm việc tại đây, do cuộc sống xa gia đình gặp nhiều khó khăn nên anh xin chuyển về làm việc tại Khoa Da liễu Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho gần gia đình. Làm việc tại đây được một năm thì anh chủ động viết đơn xin nghỉ việc để thực hiện sở thích của mình là kinh doanh.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ ở Đắk Lắk -0
 Anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ê đê Café giới thiệu sản phẩm cà-phê bột của công ty cho các đối tác.

Y Pốt Niê bộc bạch: “Mình sinh ra và lớn lên tại buôn Kla, ngay từ nhỏ đã gắn bó với cây cà-phê nhưng thấy đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sau bao đêm suy nghĩ, trăn trở, mình đã quyết định không theo ngành y nữa, dù biết Ama, Amí buồn lắm để khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh cà-phê với mong muốn thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con nơi mình sinh ra”.

Nghĩ là làm, ngày 18/5/2018, Y Pốt Niê đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Ê đê Café do anh làm giám đốc và liên kết với 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn trồng 25 ha cà-phê theo hướng hữu cơ.

Theo khảo sát, thời điểm đó trên thị trường có rất nhiều loại cà-phê bột, cà-phê hòa tan, vì vậy để xâm nhập được vào thị trường cà-phê đang cạnh tranh khốc liệt này, Y Pốt Niê đã chọn hướng đi riêng cho mình là toàn bộ sản phẩm cà-phê bột của công ty đều được rang thủ công bằng tay. Đồng thời, lấy thương hiệu là “Ê đê Café” nghĩa là cà-phê do đồng bào Ê đê sản xuất thủ công ra. Chính vì vậy, ngay sau khi sản xuất ra, sản phẩm của công ty anh được thị trường chấp nhận.

Từ ngày đầu khởi nghiệp chỉ với 20 triệu đồng đủ để mua chảo về thuê những người già trong buôn rang cà-phê, đến nay Y Pốt Niê đã đầu tư hơn 230 triệu đồng mua các trang thiết bị và công nghệ sản xuất với năm dòng sản phẩm là cà-phê Robusta, cà-phê Arabica, cà-phê cu ly, Mix2, Mix 3 và hai dòng cà-phê hòa tan là cà-phê hòa tan hương sầu riêng và cà-phê hương P7. Các sản phẩm của Công ty đã tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… và xuất khẩu đi bốn nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Dubai…

Mặc dù có những thành công nhất định bước đầu trên con đường khởi nghiệp, nhưng Y Pốt Niê không tự thỏa mãn. Bởi theo anh con đường kinh doanh luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, những gì anh làm được đã truyền cảm hứng cho giới trẻ ở địa phương vượt qua tâm lý chây ỳ, ỷ lại, dám nghĩ, dám làm để thay đổi cuộc sống.

Ở các buôn làng Đắk Lắk hôm nay, những mô hình khởi nghiệp như chị H’Bích Niê Kđăm và anh Y Pốt Niê ngày càng nhiều. Những mô hình này đã truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn trẻ ở khắp buôn làng, tạo thành phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp sôi nổi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.