Hồi sinh giống gà Tò tiến Vua trên đất Thái Bình

NDO -

“Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn”, câu nói được dân gian lưu truyền bấy lâu nay để nhắc nhớ tới những vật nuôi thuần Việt dùng để tiến Vua. Theo thời gian, những giống loài đã mai một ít nhiều về độ nguyên chủng, nhưng đây lại là cái cớ thôi thúc những nhà chuyên môn tìm tòi, nghiên cứu nhằm khôi phục nguyên bản giống gà Tò trên đất An Mỹ, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ nuôi gà Tò cách phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ nuôi gà Tò cách phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tại sao gọi là gà Tò? Đây là câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của bất cứ ai khi lần đầu được nghe, được kể. Các cụ cao niên ở An Mỹ cho hay, xưa kia người làng Tò thường hay xay lúa bằng cối đất. Cối cao nhưng gà Tò đứng bên dưới vẫn mổ được thóc trên cối nên mới có tích "Gà Tò ăn quẹm cối xay". Cũng chẳng ai biết giống gà Tò quý hiếm này có từ bao giờ. Chỉ nghe các cụ trước truyền lại là một lần vị Đức Tiên Công của làng (vốn là con rể của vua Trần) dâng tiến nhà Vua giống gà quý này. Vua thấy con gà lạ, khi ăn thịt thơm và ngọt nên rất thích. Ngài lệnh ban thưởng cho làng Tò mười nghìn đấu gạo và kể từ đó người dân đã lấy tên làng đặt cho giống gà đặc biệt này.

Không như những loại gà thuần Việt khác như: Gà Hồ, gà Tre, gà Mía, gà đen, gà ri hay gà Đông Tảo, giống gà Tò ở An Mỹ rất cao lớn, vạm vỡ (chiều cao có thể hơn 40cm) và một đặc điểm tạo nên sự khác biệt là chúng có lông ở chân. Hàng lông mọc suốt từ đầu gối đến tận ngón đi theo một hàng thẳng dày cứng rất đặc biệt.

Trải qua năm tháng, cùng với lối chăn thả tự do với các giống gà nội khác của địa phương nên giống gà Tò đã bị lai tạp nhiều, độ nguyên chủng không được như xưa. Và điều trăn trở của người nuôi chính là khả năng ấp nở kém hơn những loại gà truyền thống khác, nên nguy cơ tuyệt chủng luôn hiện hữu.

Hồi sinh giống gà Tò tiến Vua trên đất Thái Bình -0
 Đàn gà Tò phát triển khỏe mạnh với đặc trưng dễ thấy là có lông chân rậm rạp.

Anh Vũ Khắc Huyên ở thôn Tô Đàm, xã An Mỹ cho biết: Đặc trưng của gà Tò nguyên chủng là có lông suốt từ khuỷu chân xuống, gọi là "lông quần". Phía sau gối gà trống có thêm một chòm lông như đuôi quạ, gọi là "lông gối". Không có lông chân thì không phải là gà Tò. Kẽ chân và vùng tiếp giáp chân và đùi có màu đỏ tía, dọc chân có 2 vạch đỏ tía và 2 hàng vảy xếp song song.

Theo khảo sát của Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Bình, năm 2019 toàn tỉnh chỉ còn 487 con gà Tò với khoảng hơn 40 hộ nuôi. Địa bàn chủ yếu ở huyện Quỳnh Phụ, nhưng phân bố nhỏ lẻ, phân tán tại 10 xã. Ngoài ra, còn có một số ít hộ dân ở xã Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có duy trì chăn thả với số lượng chỉ vài chục con.

Sở dĩ các hộ chăn nuôi với số lượng ít ỏi có nguyên nhân chính là do số lượng con giống tự ấp nở rất thấp, không mua được với số lượng lớn. Vì lẽ đó, người dân thường chọn cách nuôi các loại gà khác để bán, còn gà Tò chỉ để làm cảnh, để chơi và giao lưu.

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, một người luôn đau đáu với việc gìn giữ, bảo tồn giống gà quý hiếm này ngay trong năm 2019 đã bỏ kinh phí hỗ trợ các hộ dân ở An Mỹ (Quỳnh Phụ) duy trì nuôi gà Tò. Tiếp đó, đến tháng 6/2020, một đề tài khoa học có tên “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP”, do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Khuyến nông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình chính thức được triển khai, với nguồn kinh phí 1 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào tháng 8/2022.

Cho đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu đề ra là điều tra thực trạng chăn nuôi gà Tò trên địa bàn tỉnh Thái Bình về quy mô và phương thức chăn nuôi; đặc điểm ngoại hình, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; khả năng xuất bán sản phẩm, nhu cầu mở rộng chăn nuôi giống gà Tò.

Hiện nay, đề tài đã thực hiện chọn lọc, nuôi giữ đàn gà Tò giống hạt nhân thế hệ 1 gồm 47 con tại hộ ông Nguyễn Văn Tuyên và đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2 gồm 82 con tại hộ ông Trần Văn Hoàn,  đều ở thôn Tô Hải, xã An Mỹ (huyện Quỳnh Phụ). Điều đáng mừng, tỷ lệ đẻ, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ nở… đều đạt các chỉ tiêu đề ra.

Là một trong các chủ hộ tham gia mô hình của đề tài, ông Tuyên cho biết: Từ năm 2020, khi tham gia thực hiện mô hình, gia đình được hỗ trợ về giống, thức ăn và nhất là được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về cách chăm sóc, nuôi dưỡng, xử lý môi trường chuồng nuôi… nên việc nuôi gà Tò hiện nay khá thuận lợi.

Bước đột phá chính là áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, ấp trứng bằng máy nên tỷ lệ trứng nở nhiều hơn, gà con khỏe hơn và quan trọng rút ngắn được thời gian nghỉ đẻ của gà mái rất nhiều. Trước đây, mỗi con gà mái chỉ đẻ được 3-4 lứa trứng/năm thì đến nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu từ chăm sóc đến nhân giống nên mỗi năm 1 con gà Tò có thể đẻ được từ 7-8 lứa trứng.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Qua thời gian thực hiện, đến nay đã chọn tạo được giống gà Tò hạt nhân đạt 85% các chỉ tiêu, chất lượng so giống gà Tò nguyên chủng. Nếu gà Tò trước đây có khả năng sinh sản thấp, tỷ lệ trứng có phôi không cao, thì bây giờ nhờ có thụ tinh nhân tạo đã đưa tỷ lệ trứng có phôi cao hơn khoảng 2% và có tỷ lệ trứng nở nhiều hơn 10% so giống gà Tò nuôi thả tự nhiên.

Với đà này, các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đang nỗ lực, quyết tâm chọn lọc gà Tò thế hệ 1, thế hệ 2, thế hệ 3 để chọn ra 100 con gà hạt nhân đưa vào nhân giống. Bên cạnh đó, xây dựng một mô hình gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP quy mô 300 con tại hộ ông Phạm Đình Rong ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ.

Thạc sĩ Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình khẳng định, từ kết quả ban đầu của đề tài cho thấy việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong duy trì, phát triển giống gà Tò là hướng đi đúng của tỉnh. Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng cho được thương hiệu gà Tò, đưa gà Tò trở thành sản phẩm OCOP, qua đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân An Mỹ nói riêng, huyện Quỳnh Phụ nói chung phát triển theo hướng nhanh và bền vững.