Hỗ trợ thực thi cam kết kiểm dịch động thực vật

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) vừa phối hợp tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị phổ biến các cam kết SPS cho nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản sang các nước Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hội nghị này là sự kiện mở đầu cho một loạt hoạt động tương tự của Văn phòng SPS Việt Nam trong tháng 6/2022 với mục tiêu phổ biến các quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đồng thời phổ biến các yêu cầu mới nhất về những nội dung liên quan ở thị trường EU, Trung Quốc. Sau đó, dự kiến trong tháng 7 sẽ có các hội nghị chuyên sâu về nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, như hội nghị về trái cây được tổ chức tại Đồng Tháp, cà-phê tại Đắk Lắk, thanh long tại Bình Thuận, thủy sản tại Bạc Liêu.

Trong bối cảnh hàng nông sản Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn phải nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đủ điều kiện xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới thì việc nắm rõ thông tin và biết cách triển khai thực hiện các quy định về SPS của từng thị trường là hết sức quan trọng. 

Tuy nhiên, theo Văn phòng SPS Việt Nam, thời gian qua, có hiện tượng doanh nghiệp khi gặp khó khăn, vướng mắc liên quan quy định xuất khẩu sang một số thị trường thì bối rối trong việc liên hệ với cơ quan quản lý để tìm cách tháo gỡ. Trong khi đó, hằng năm, các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố thay đổi khoảng 1.000 các biện pháp về an toàn thực phẩm. Mới đây nhất, với Lệnh 248, Lệnh 249, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thay đổi hàng loạt các yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu như nhà xưởng sơ chế, chế biến, chất lượng từng loại nông sản..., nên nếu doanh nghiệp không nắm được hoặc không tuân thủ đúng thì sẽ buộc phải “dừng cuộc chơi”. 

Chính vì vậy, với việc tổ chức các hội nghị phổ biến, hướng dẫn về các vấn đề liên quan, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ trở thành một đầu mối để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân... có thể trao đổi và cập nhật thông tin mới nhất. Theo đó, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường thông tin về các vấn đề cụ thể như: Các điểm cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc; quy định về kiểm tra SARS-CoV-2 và biện pháp tránh lây nhiễm trong sản xuất, chế biến thủy sản; công nghệ sơ chế bảo quản một số loại trái cây xuất khẩu vào thị trường EU và Trung Quốc; các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thủy hải sản, mức giới hạn tối đa dư lượng hóa chất cho phép trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU... 

Ngoài truyền tải thông tin, Văn phòng SPS Việt Nam còn phối hợp  các cơ quan chức năng tại địa phương đưa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham quan những mô hình điểm về thực hành nông nghiệp tốt, bảo đảm tính minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Những cách làm này sẽ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các đơn vị xuất khẩu trong việc nâng cao năng lực thực thi quy định SPS, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.