Hiệu quả từ mô hình lúa-tôm thích ứng biến đổi khí hậu

NDO -

Mấy năm nay, bà con nông dân tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) áp dụng mô hình lúa-tôm thích ứng với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả kinh tế  khá cao. Mô hình cho sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường đang được nhiều công ty ký hợp đồng bao tiêu với nông dân để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Mô hình lúa tôm thích ứng biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao tại vùng ven biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Mô hình lúa tôm thích ứng biến đổi khí hậu đạt hiệu quả cao tại vùng ven biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Hiệu quả mô hình lúa tôm

Những ngày cuối tháng Chạp, gia đình ông Phan Văn Chí ngụ xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú) thu hoạch xong vụ lúa rồi cho nước vào ruộng chuẩn bị thả vụ tôm sú.

Gia đình ông Chí có 8.000m2 đất được đào chung quanh làm bờ bao và chừa phần chính giữa để trồng lúa. Diện tích trồng lúa khoảng 4.500m2, gia đình ông mới thu hoạch được 1,6 tấn, bán cho Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú với giá 8.300 đồng/kg. Ông Chí là một trong 113 xã viên của hợp tác xã sản xuất lúa được ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao.

Hiệu quả từ mô hình lúa-tôm thích ứng biến đổi khí hậu -0
 Thu hoạch lúa trong mô hình lúa-tôm thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Chí cho biết: “Mấy chục năm làm lúa nhưng gần đây mới ăn nên làm ra nhờ mô hình kết hợp lúa-tôm. Trước đây, làm lúa rồi đem về phơi khô, chở ra bán cho thương lái nhưng giá thấp, lợi nhuận chẳng bao nhiêu.

Bây giờ khi mưa xuống sạ lúa rồi cho nước vào để nuôi tôm càng xanh, cua cứ tới nước xổ bán những con lớn. Nhờ thức ăn từ ruộng lúa nên tôm, cua lớn nhanh; cây lúa không sử dụng thuốc hóa học nên bảo đảm sản phẩm lúa sạch.

Sau khi cắt lúa tiếp tục cho nước vào để nuôi thêm vụ tôm sú và xoay vòng tới khi mưa xuống sẽ tiếp tục sản xuất lúa. Hiệu quả mang lại gấp 2 đến 3 lần so cách làm truyền thống như trước đây”.

Gia đình ông Phan Văn Triệu, xã viên hợp tác xã có 11.000m2 đất cũng sản xuất theo mô hình lúa-tôm với diện tích lúa khoảng 7.000m2, năm nào cũng thu hoạch lúa, tôm, cua và vụ tôm sú đem về lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Ông Triệu cho rằng: “Mô hình này không lợi nhuận cao so với nuôi tôm công nghiệp nhưng được cái là bền vững, không bao giờ bị lỗ. Giữa con tôm và cây lúa hỗ trợ nhau cùng phát triển nên cả  hai sản  phẩm đều sạch, bán được giá cao hơn. Hiện tại, nông dân được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm  lúa sạch với giá cao. Hy vọng trong thời gian tới, các sản phẩm tôm, cua sạch cũng được liên kết, tiêu thụ sản phẩm thì lợi nhuận từ mô hình này sẽ còn cao hơn nữa”.

Phó Giám đốc Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú Lê Thành Trí cho biết: Hiên hợp tác xã có 113 xã viên với 60 ha, sắp tới sẽ kết nạp thêm 80 xã viên với 50ha sản xuất theo mô hình lúa sạch và được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm với giá cao. Các xã viên sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống đặc sản như: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 6162, Nàng Keo, Tép Trắng… Định hướng trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ cung cấp tôm giống, thức ăn, lúa giống… làm sao giúp xã viên đầu vào thấp, đầu ra cao để đạt lợi nhuận cao nhất có thể.

Xây dựng thương hiệu “lúa sạch Thạnh Phú”

Hiện tại, xã An  Nhơn có có 1.783ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm với diện tích lúa khoảng 819 ha sản xuất theo mô hình lúa sạch. Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Chính quyền địa phương đang hỗ trợ hợp tác xã đầu tư xây dựng kho chứa, nhà máy sấy, xay xát, đóng gói lấy tên “Gạo sạch Thạnh Phú” bán ra thị trường nhằm giúp xã viên đạt lợi nhuận cao nhất. Địa phương đang làm thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao”.

Theo UBND huyện Thạnh Phú, toàn huyện có khoảng 6.000 hecta sản xuất theo mô hình lúa-tôm. Năm 2016, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “lúa sạch Thạnh Phú” cho 17 hộ dân thuộc tổ hợp tác lúa sạch Thạnh Phú tại xã An Nhơn. Năm 2017 hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú được thành lập để sản xuất lúa sạch ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và tập trung phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú để tiếp cận các thị trường lớn.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: Mấy năm nay, mô hình lúa-tôm tại địa phương hiệu quả khá cao. Trung bình một ha, nông dân thu lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên không đủ để tiêu thụ.

Theo các nhà khoa học, đây là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Trong thời gian tới, địa phương sẽ làm cầu nối để các hợp tác xã trên địa bàn ký kết với Công ty Hoa Nắng (chuyên xuất khẩu gạo) để sản xuất 300ha lúa hữu cơ xuất sang châu Âu.