Cùng chính quyền tạo sinh kế cho người dân ở Thái Nguyên

NDO -

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 2,82%. Đạt được kết quả này là do trong những năm qua, tỉnh thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Cao Biền, xóm cuối cùng của tỉnh Thái Nguyên có điện lưới quốc gia.
Cao Biền, xóm cuối cùng của tỉnh Thái Nguyên có điện lưới quốc gia.

Với 50 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, sinh sống ở Cao Biền, thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, là xóm xa xôi, khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tháng 9/2020, tỉnh đầu tư 11,6 tỷ đồng dựng cột, lắp đặt trạm biến áp, kéo tổng số gần 15 km đường dây trung thế và hạ thế vượt đồi núi, cấp điện cho toàn bộ các hộ dân Cao Biền, xóm cuối cùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có điện lưới quốc gia.

Tại lễ khánh thành, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, đưa điện lên Cao Biền không nhằm kinh doanh, mà thể hiện sự quan tâm của tỉnh để cải thiện đời sống, giúp đồng bào phát triển sản xuất, con em có điện để học tập thuận lợi.

Cũng tại buổi khánh thành, các doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long đã tặng bò giống cho 10 hộ nghèo; Công ty Đầu tư và Phát triển nông thôn miền núi, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh tặng Cao Biền nhà văn hóa đạt chuẩn, quần áo cho trẻ em.

Trưởng xóm Cao Biền Triệu Hữu Phong vui mừng chia sẻ, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt khi có điện lưới quốc gia, có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Đàn bò giống doanh nghiệp tặng khi đẻ ra bê sẽ luân chuyển cho hộ khác, chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật, cấp giống trồng thạch đen, hồi sẽ là sinh kế lâu dài của bà con.

Võ Nhai là huyện vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã có những việc làm thiết thực, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống người dân.

Đó là, với quan điểm không ly hương, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy may ngay tại huyện Võ Nhai để giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần một nghìn công nhân là người địa phương. Đến nay, Công ty đầu tư nhà máy may ở tất cả các huyện, giải quyết việc làm cho 15 nghìn công nhân. Nhiều doanh nghiệp chung tay cùng với chính quyền mở mới, đổ bê-tông tuyến đường rộng gần 3m, dài 9 km vượt núi từ trung tâm xã Thượng Nung lên các xóm Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài, giúp bà con đồng bào H’Mông, Dao đi lại, giao thương thuận lợi.

Cùng cấp ủy, chính quyền tạo sinh kế cho người dân ở Thái Nguyên -0
Khu dân cư nhà sàn truyền thống đang hình thành ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. 

Với tâm huyết của mình, Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long gần như là doanh nghiệp “đỡ đầu” xã Thần Sa, một trong những xã khó khăn nhất ở huyện Võ Nhai. Chia sẻ đời sống khó khăn của đồng bào dân tộc H’Mông, Dao và Tày, Công ty đầu tư đường điện, kéo dây đến từng gia đình, hỗ trợ tiền điện hơn 80 hộ dân xóm Xuyên Sơn từ năm 2009 đến nay; nhiều năm qua, khi Tết đến, Xuân về công ty tặng mỗi hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách một suất quà trị giá một triệu đồng; xây mới và hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa các xóm trên địa bàn xã. Tạo sinh kế lâu dài cho người dân, Công ty mua bò giống tặng 20 hộ nghèo xã Thần Sa, khi có bê con luân chuyển sang hộ nghèo khác, đến nay đàn bò phát triển lên hàng trăm con từ sáng kiến này.

Cải thiện điều kiện đi lại, ăn ở và bảo tồn nhà sàn truyền thống của bà con, Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long xây dựng khu dân cư Bản Ná với hạ tầng đồng bộ, cấp mỗi hộ từ 400 m2 đất trở lên, hỗ trợ làm móng, trụ cột, mái ngói để 35 hộ dân bảo tồn nhà sàn truyền thống, sinh sống lâu dài. Với đình, đền, chùa, khu dân cư nhà sàn truyền thống, hỗ nước, cảnh quan núi non hùng vĩ, Bản Ná sẽ là điểm du lịch cộng đồng,  tạo sinh kế lâu dài cho người dân sở tại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Dương Văn Hào cho biết: Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, cái tâm của Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Thăng Long trong việc hỗ trợ địa phương, nhất là xã Thần Sa, nơi có di chỉ người tiền sử được công nhận di tích cấp quốc gia phát triển kinh tế, xã hội.

Với quy mô, mức độ khác nhau, hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có những việc làm ý nghĩa, cụ thể, thiết thực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, an sinh. Mỗi năm doanh nghiệp quyên góp từ 30- 40 tỷ đồng tặng quà Tết hộ nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ tỉnh gần 70 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, 8,3 tỷ đồng mua máy tính tặng học sinh nghèo; đầu tư nhiều cơ sở sản xuất ở miền núi để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tỉnh Thái Nguyên vừa tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó rút bài học: Với phương pháp, cách làm phù hợp nên tỉnh đã huy động được nguồn lực lớn của người dân, doanh nghiệp với số tiền lên đến 11,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp, các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư hơn tám nghìn tỷ đồng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay còn 2,82%.