Chuyển hướng đào tạo nghề lao động nông thôn ở Tuyên Quang

NDO -

Mở các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động và người sử dụng lao động; gắn đào tạo nghề với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với quy hoạch sản xuất những cây trồng, vật nuôi để phát huy thế mạnh của địa phương là giải pháp để chuyển hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang.

Đào tạo nghề điện công nghiệp ở trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật-Công nghệ Tuyên Quang.
Đào tạo nghề điện công nghiệp ở trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật-Công nghệ Tuyên Quang.

Với lợi thế có dòng sông Lô chảy qua địa bàn, người dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên đã tận dụng lòng sông để phát triển nghề nuôi cá lồng. Ban đầu chỉ là tự phát nên sản lượng cá thu hoạch không cao, tỷ lệ cá chết, cá mắc bệnh nhiều. 

Nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp đào tạo nghề nuôi cá chiên đặc sản trong lồng bè trên sông tại xã.

Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Ba Luồng (xã Thái Hòa) cho biết, sau khi được tham gia lớp học nghề, nắm vững kiến thức ông đã cải tạo và nhân rộng được 10 lồng nuôi cá chiên. Ông cũng tập hợp một số hộ dân tâm huyết thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa. Áp dụng đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, nên thu nhập cũng tăng, mỗi thành viên hợp tác xã đều đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Huyện Na Hang cũng có nhiều cách làm hiệu quả trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo; đổi mới cách thức, phương pháp đào tạo nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc” gắn việc dạy lý thuyết với thực hành.

Cùng đó, ưu tiên đào tạo nghề theo nhu cầu của người học gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương, gắn với phát triển sản xuất mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được huyện áp dụng thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng cây công nghiệp, trồng nấm, trồng rau trái vụ, sản xuất hàng mây, tre đan và kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp…

Chuyển hướng đào tạo nghề lao động nông thôn ở Tuyên Quang -0
 Mô hình sản xuất rau vụ đông trái vụ cho nông dân ở huyện Na Hang.

Anh Nông Văn Vương, ở thôn Bản Gioòng, xã Thượng Nông, cho biết, gia đình anh sử dụng máy cày và máy tuốt lúa trong sản xuất nông nghiệp. Trước kia, mỗi khi máy hỏng phải đem ra trung tâm huyện sửa mất rất nhiều thời gian, lại ảnh hưởng đến thời vụ. Sau khi được học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã, anh đã tự sửa chữa, bảo dưỡng  nên rất yên tâm, lại chủ động trong sản xuất.

Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động của tỉnh Tuyên Quang, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình dậy nghề đạt hiệu quả cao (có 55 mô hình cá nhân và 4 mô hình tổ chức điển hình). Tiêu biểu như nghề trồng chè Shan Tuyết ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa; nghề may, gò hàn ở Sơn Dương; nghề mộc, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp ở Chiêm Hóa; dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi cây, con đặc sản ở Lâm Bình; dạy nghề nuôi cá lồng ở Hàm Yên…

Chuyển hướng đào tạo nghề lao động nông thôn ở Tuyên Quang -0
 Dạy nghề đan mây, tre cho người lao động ở huyện Na Hang (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Đón đầu phục vụ các khu, cụm công nghiệp, tỉnh cũng đã mở rộng đào tạo ngành nghề may công nghiệp, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, điện lạnh, cơ khí hàn, sữa chữa máy nông nghiệp, công nghệ ô-tô, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp,... Do vậy, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã đào tạo nghề cho hơn 30.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề hơn 6.000 lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang Hoàng Quốc Cường cho biết, để ứng phó với những diễn biến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác đào tạo nghề của tỉnh Tuyên Quang đang có những chuyển hướng. Đó là, đổi mới tư duy, dạy nghề linh hoạt  nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Nâng cao vai trò của các trường nghề trong công tác đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn; qua đó đánh giá hiệu quả sau đào tạo gắn với việc làm và cơ cấu lao động của tỉnh. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nếu chưa phù hợp, hiệu quả thấp; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tại các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo.