Ông chủ trang trại với khát vọng cứu những dòng sông

Phùng Văn Hệ vốn là một nông dân chính hiệu ở đất Ba Vì (Hà Tây). Trước khi trở thành một ông chủ trang trại có tiếng, anh đã lăn lộn với hàng chục nghề, từ làm ruộng, buôn thép vụn, mở xưởng gạch, đến chở hàng thuê... Hệ bảo: "Rất nhiều người hỏi tôi từng làm nghề gì, nghe  kể xong, họ đều bảo, ông phải đổi tên là Phùng "Ða Hệ" mới đúng".

 Làm ăn, phiêu bạt, đi nhiều nơi, nhưng rốt cục, Hệ thấy chẳng sống ở đâu hay bằng vùng quê có núi Tản, sông Ðà ruột thịt của mình. Vốn là nông dân, anh yêu đất, yêu rừng, yêu dòng nước mát sông Ðà và làng quê Ba Vì thanh bình, trù phú. Năm 1994, khi địa phương thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, vợ chồng anh bàn nhau rút vốn khỏi nghề kinh doanh sắt vụn đang làm ăn phát đạt, về nhận 400 ha rừng khu vực Thiên Sơn - Suối Ngà, thuộc xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, để xây dựng trang trại. Nhiều người bảo vợ chồng anh điên, khi đổ tiền vào vùng đất hoang vu ấy.

Tự xây dựng kế hoạch kinh doanh, mày mò thiết kế, đặt từng viên đá, cái cây... sau hơn mười năm đổ công sức, mồ hôi, và tiền bạc, đến nay vợ chồng anh đã có cơ ngơi đáng nể với khu trang trại-du lịch sinh thái khá lớn, vừa trồng trọt, chăn nuôi, thu hút hàng nghìn du khách tham quan mỗi ngày.

Hệ chăm chút trang trại của mình và rất chú trọng việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Ðám nhân viên của anh kể: "Hễ thấy cọng rác nào trên đường hay dưới suối là chú Hệ tự tay lượm bằng sạch bỏ vào thùng rác. Thấy chú làm gương, anh em cũng bảo nhau trông coi, giữ vệ sinh cho tốt, không ai dám lơ là".

Không chỉ lo giữ sạch trang trại của mình, anh Hệ còn xây dựng một dự án kinh tế có ý nghĩa lớn về xã hội-môi trường, mà một lần nữa, nhiều người bảo là điên rồ. Ðó là Dự án "Hệ- Mạch phát triển cấp nước môi trường, sinh hoạt, kết hợp phát điện giao thông đô thị Hà Nội và chuỗi đô thị phía Tây". Hai chữ đầu tên dự án là ghép tên vợ chồng anh: "Hệ-Mạch".

Ý tưởng hình thành dự án này của anh Hệ xuất phát vào năm 2002, từ những lần xuống Hà Nội, nhìn cảnh nhiều dòng sông đang chết dần vì ô nhiễm, anh trăn trở nghĩ cách cứu chúng bằng dòng nước xanh mát của sông Ðà. Sau nhiều ngày hai vợ chồng lặn lội tìm hiểu, phác thảo dự án, anh đầu tư hàng tỷ đồng thuê hơn 10 chuyên gia uy tín của các bộ, ngành khảo sát, giúp biến ý tưởng nói trên thành bản dự án chi tiết gồm 7 phần, dài 51 trang chưa kể các phụ lục, bản đồ ...

Theo dự án, nước từ hồ Hòa Bình sẽ được đưa về Hà Nội qua tuyến kênh hở và tuy-nen, vào hồ Ðồng Mô - Ngải Sơn (Hà Tây) rồi theo tuyến đường ống bê-tông cốt thép về Hà Nội và tỏa ra vùng phụ cận để cấp nước sinh hoạt, công nghiệp; bổ sung dòng chảy, thau rửa Hồ Tây, các con sông ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Ðáy... Những tuyến kênh, đường ống sẽ kết hợp với tuyến giao thông (đường ống nước chạy ngầm dưới đường giao thông). Ở những nơi có điều kiện địa hình sẽ xây dựng trạm thủy điện. Hệ thống công trình trong dự án trong phạm vi  khoảng 17 nghìn ha, trên bốn tỉnh thành phố là Hòa Bình, Hà Tây, Phú Thọ và Hà Nội, với số vốn đầu tư theo phương án 1 khoảng 2,2 tỷ USD và theo phương án 2 là hơn 3 tỷ USD. Hiệu ích kinh tế cụ thể của dự án: tổng cộng 4.163 tỷ đồng/năm.

 Hôm 4-3 vừa qua, Bản dự án được trao Giải đặc biệt trong cuộc thi Môi trường và phát triển năm 2007, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Việc anh Hệ mang dự án đi thi rất tình cờ. Trên đường đến Văn phòng Chính phủ trình Dự án, nghe Ðài Tiếng nói Việt Nam thông báo về cuộc thi, anh đến thẳng Ðài xin dự thi và không ngờ vượt qua 4.200 công trình dự thi, đoạt giải. Sau đó, Bản dự án đã được trình Chính phủ và tại Công văn số 775/VPCP-CN, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ý tưởng của dự án; yêu cầu các bộ, ngành địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Anh Hệ tin tưởng, nếu được Chính phủ phê duyệt, sẽ có nhiều doanh nghiệp góp vốn tham gia dự án của anh theo hình thức xã hội hóa. Anh bảo: "Hà Nội đang có kế hoạch mở rộng về phía Tây, rất cần những giải pháp môi trường để cứu những dòng sông và tránh xuất hiện thêm những  con sông ô nhiễm như sông Nhuệ, Tô Lịch... Hơn nữa, việc khai thác nước ngầm để ăn như hiện nay có thể gây nguy hại sức khỏe người dân, do  nước nhiều độc tố. Khai thác nước ngầm còn gây sụt, lún đất, ảnh hưởng các công trình kiến trúc".

Từ dự án đến hiện thực còn là một chặng đường dài, song những dòng sông ô nhiễm quanh Hà Nội đang rất cần có giải pháp cải thiện và quyết tâm làm xanh lại các dòng sông của một ông chủ trang trại như anh Hệ thật đáng trân trọng.

      Quốc Trường