Chuyển hóa nguồn tài nguyên thành sức mạnh mềm

Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" là một trong những mục tiêu được xác định trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chung quanh chủ đề hướng đến một tương lai Hà Nội giàu bản sắc, cùng những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, Nhân Dân cuối tuần thực hiện một bàn tròn thảo luận với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và PGS,TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian xanh khu vực Hồ Gươm. Ảnh: Nguyễn Đăng
Không gian xanh khu vực Hồ Gươm. Ảnh: Nguyễn Đăng

- PV: Thưa quý vị, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ hiện trạng "Phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người Hà Nội chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử-văn hóa ngàn năm văn hiến của Thủ đô". Bên cạnh đó, thực tế cho thấy rằng, cách hiểu, cách quan niệm về "bản sắc văn hóa Hà Nội" cũng đã và đang gây ra nhiều tranh luận, thí dụ như khái niệm: "người Hà Nội" khác với "người sống ở Hà Nội", nhưng khác như thế nào thì là cả một sự tinh tế khó lý giải thấu đáo bằng lời. Ý kiến của quý vị về vấn đề này?

Chuyển hóa nguồn tài nguyên thành sức mạnh mềm ảnh 1

- PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Khi nói đến Hà Nội, người ta thường nhắc đến: Hà Nội-"nơi gặp gỡ của vẻ đẹp Đông-Tây", Hà Nội-"thành phố trong sông", Hà Nội- "36 phố phường", Hà Nội- "dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"… Đó chính là sự hiện hữu sống động nhất của điều được nhắc đến ở đây: bản sắc của thành phố.

Chuyển hóa nguồn tài nguyên thành sức mạnh mềm ảnh 2

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sự thật là Hà Nội đang dần đánh mất bản sắc và những vẻ đẹp đặc trưng của mình. Đô thị hóa đã có phần bị hiểu sai lệch khi thực thi trên những vùng văn hóa đặc biệt như Hà Nội và biến Hà Nội trở thành một đô thị chung chung như mọi đô thị khác. Để tìm ra những vẻ đẹp làm nên Hà Nội, người ta phải "săn lùng" nó trong một thế giới bê-tông. Cụm từ "chưa thực sự tương xứng" là rất nhẹ so với sự "biến dạng" của Hà Nội; lẽ ra phải nói: "Một đô thị Hà Nội hiện nay đang lấp chìm một Hà Nội văn hiến".

Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, các nhà quản lý và người Hà Nội đã nhận ra sự cần thiết hồi sinh vẻ đẹp văn hóa Hà Nội tuy quá trình hồi sinh này là một chặng đường rất dài; đây là việc cấp bách rồi đấy.

- PV: Hà Nội đã được vinh danh là thành phố vì hòa bình, và được gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. Trên bệ đỡ của quá khứ và hiện tại, đặt giữa thực trạng và kỳ vọng, theo quý vị, Hà Nội nên xác lập cho mình dấu ấn bản sắc như thế nào?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Những điều cơ bản làm nên một Hà Nội như chúng ta từng kiêu hãnh là thiên nhiên, kiến trúc, ngôn ngữ, phong cách, thời trang, ẩm thực… Nếu đó là câu trả lời về hình ảnh một Hà Nội văn hiến, tương đồng với ý kiến nêu trên của chị Nguyễn Thị Thu Phương (ảnh trên) thì chúng ta sẽ nhận ra ngay những gì thuộc về vẻ đẹp của vùng đất kinh thành này đã và đang bị phá vỡ. Hà Nội có khu phố, ngõ phố cổ, làng nghề ngoại ô, những hồ nước huyền thoại, phong cách sống tao nhã… Nếu khu phố cổ được bảo tồn và kết hợp với sự phát triển đô thị văn minh hay vùng thiên nhiên và văn hóa quanh Hồ Tây thì bây giờ, chúng ta đã có những viên ngọc thật sự mang vẻ đẹp của đất kinh kỳ.

Tôi đã đến thăm một số nước châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, và tôi thật sự kính phục cách họ bảo tồn những vẻ đẹp làm nên Kyoto, Tsungmago, Nara, Seoul, Busan, Gwangu… Hai quốc gia này là hai quốc gia phát triển nhất của châu Á nhưng họ gìn giữ vẻ đẹp truyền thống một cách tuyệt vời. Còn Hà Nội thì đánh mất quá nhiều những vẻ đẹp văn hóa của mình.

- PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng chính là sự ghi nhận của mạng lưới toàn cầu này về sự độc đáo và đầy bản sắc của một thành phố đã, đang và sẽ định vị thương hiệu của mình bằng sự sáng tạo và đa dạng văn hóa.

Vẻ đẹp đó, bản sắc đó đã được hiện diện ở đâu? Từ góc nhìn của một người tham gia quá trình xây dựng hồ sơ, chúng tôi nhận thấy, vẻ đẹp, bản sắc của Hà Nội là sự đa dạng, hài hòa của hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, từ những kiến trúc chứa đựng "nhiều lớp lịch sử" đến mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp vùng ngoại ô, cùng cộng đồng sáng tạo phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, giới khoa học-công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Chính những chất liệu truyền thống và sự đa dạng của tài nguyên văn hóa đã và đang giúp Hà Nội định hình bản sắc mới.

Những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố cùng với mạng lưới không gian sáng tạo độc đáo đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua các ngành công nghiệp văn hóa.

- PV: Vậy Hà Nội cần phải làm gì trong thời gian tới, để có thể định hình rõ nét diện mạo và bản sắc trong một bối cảnh hội nhập xã hội mới, một tương lai mới, thưa quý vị?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hà Nội xác định phải là trung tâm của văn hóa trước tiên. Nếu Hà Nội không xây dựng thành một trung tâm văn hóa thì Hà Nội sẽ dần biến mất. Hầu hết các thủ đô trên thế giới như Paris, Washington, Tokyo, Seoul… đều là những trung tâm văn hóa chứ không phải trung tâm kinh tế. Hà Nội không phải là nơi cố gắng xây dựng các khu đô thị, các trung tâm thương mại… mà phải là các vùng văn hóa và các trung tâm văn hóa. Chỉ khi Hà Nội hiểu được giá trị vô tận hay là sức mạnh vô tận của văn hóa, đặc biệt là văn hóa Hà Nội thì mới giữ lại được những vẻ đẹp đang ở giữa ranh giới của sự mất-còn. Và Hà Nội phải kịp thời dừng lại những hành động trong cái gọi là phát triển để không gián tiếp làm biến mất những vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa riêng có.

- PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Tiếp nối ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ảnh trên) cũng như quan điểm của cá nhân, tôi muốn nhấn mạnh vào mấy điều như sau: Muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa của thành phố thông qua chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, trong thời gian tới Hà Nội cần: Thứ nhất, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ. Việc phát triển các cơ sở hạ tầng sẽ giúp Hà Nội bảo đảm nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn tài nguyên văn hóa, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng tiềm năng, đồng thời góp phần mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa. Thứ hai, tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Một thực tế là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga chưa thể tạo nên được ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm văn hóa đại chúng có thể cạnh tranh trên toàn cầu do vẫn quá phụ thuộc vào văn hóa truyền thống, chưa thật sự liên kết được truyền thống với các giá trị hiện đại mang tầm phổ quát toàn cầu. Hà Nội cần khắc phục các hạn chế tương tự. Thứ ba, đổi mới cơ chế đầu tư, hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo mà điều cốt lõi là: Nếu không khuyến khích tự do sáng tạo cá nhân dưới sự bảo đảm về quyền sở hữu trí tuệ thì rất khó phát triển được năng lực sáng tạo của cá nhân, động lực to lớn của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, triển khai quyết liệt chương trình hành động của Hà Nội đã cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

- PV: Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp sâu sắc của quý vị!