Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn thách thức đối với ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn vượt qua về đích một cách ngoạn mục. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Tư lệnh ngành nông nghiệp đã có cuộc trao đổi với Báo Nhân Dân để cùng nhìn lại một năm nỗ lực vượt nhiều khó khăn thách thức của ngành và những hướng đi bền vững của nông nghiệp trong năm 2022 và trong tương lai.


PV: Năm 2021, là một năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế nói chung. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn và rõ ràng nhất. Bộ trưởng có đánh giá gì về một năm đầy khó khăn qua?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nếu chúng ta nhìn vào khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9, là thời điểm khó khăn nhất, giãn cách xã hội của các tỉnh thành phía nam, các khu đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp đầu tàu kinh tế cả nước và hàng chục triệu hộ giãn cách xã hội. Lúc đó, đứt gãy cả chuỗi ngành hàng nông sản, khó khăn từ sản xuất, vận chuyển, chế biến… Hệ thống phân phối bị ngưng trệ ở khu đô thị lớn gây ra đứt gãy các thị trường xuất khẩu.

Với những khó khăn như vậy, nghĩ đến việc hoàn thành chỉ tiêu đã thấy khó. Thế nhưng, chúng ta đã vượt qua tất cả, không chỉ hoàn thành mà còn vượt chỉ tiêu. Điều đó nói lên sự năng động thích ứng nhanh nhạy không chỉ là trong bộ máy quản lý chuyên ngành về nông nghiệp từ Trung ương cho đến địa phương mà là một sự năng động của toàn xã hội. Sự chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc của các hiệp hội ngành hàng trong việc kết nối các doanh nghiệp để giữ vững được thị trường. Trong bối cảnh bị giãn cách khó khăn, chi phí đầu vào tăng… nhưng bà con  nông dân vẫn tạo ra được lượng nông sản để chuỗi ngành hàng đó phục hồi nhanh.

Và chúng ta có thể tự hào rằng với hơn một chục triệu người dân bị giãn cách xã hội nhưng thực phẩm cũng đến được từng ngôi nhà. Trong thời điểm khó khăn đó, việc bảo đảm cái ăn, cái mặc cho người dân tạo ra sự trấn an trong xã hội rất lớn đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân, đối với sự điều hành, lãnh đạo của Đảng Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua tổ công tác đặc biệt của Bộ cũng đã làm hết sức mình vừa giúp cho những người nông dân tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp doanh nghiệp có nguyên liệu chế biến.

Một điều không thể không nhắc đến đó là sự kết nối giữa các Bộ, ngành với nhau cũng góp phần vào kết quả ngành nông nghiệp trong năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh, ở cùng một thời điểm, mỗi địa phương lại có các quy định khác nhau về giãn cách xã hội thì vai trò kết nối, điều phối của các Tổ công tác của Bộ cùng các Bộ ngành khác như Giao thông, Công thương, Công an, Y tế là rất quan trọng.

Như vậy, có thể nói, thành tích chung của ngành trong năm 2021 là một sự cố gắng lớn của toàn xã hội. Trong đó, tôi tự hào đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương trong năm qua đã làm hết sức mình và mang lại kết quả chung như chúng ta đã biết. Từ đó, khẳng định lại một lần nữa vai trò trụ đỡ của nông nghiệp khi đất nước rơi vào khó khăn.

PV: Bộ trưởng vừa nhắc tới thời điểm khó khăn giãn cách xã hội, mỗi địa phương lại có các quy định khác nhau trong việc kiểm soát phương tiện lưu thông qua tỉnh mình, điều đó cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông hàng hóa và gây gián đoạn cho chuỗi nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những biện pháp như thế nào để khắc phục và nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản trong thời điểm đó?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Như tôi đã nói nó có sự chệch choạc ban đầu do quy định về giãn cách xã hội các địa phương. Nhưng sau đó thông qua các hội nghị chuyên đề trong từng khu vực cũng như thông qua các diễn đàn kết nối sản xuất tiêu thụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự phối hợp của các Bộ, ngành khác thì chúng ta không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài.

Có thể nó chưa có một quy định hẳn hoi nhưng trong từng thời điểm, trong từng nút thắt mà ta tháo gỡ kịp thời. Bảo đảm cho doanh nghiệp vươn được bàn tay của mình đến vùng nguyên liệu, đưa nông sản của bà con nông dân từ vùng nguyên liệu đến được các nhà máy chế biến tạo ra được các sản phẩm có chất lượng gia tăng.

Từ đó, kích hoạt dần dần được thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Thông qua nông sản đó tạo thành các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Khi thị trường mở cửa đến đâu thì chuỗi ngành hàng sống lại tới đó và nó tạo ra được chuỗi giá trị gia tăng. Từ giá trị gia tăng đó tạo ra được con số thống kê về thành tích kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, phân ngành nội ngành từ trồng trọt đến chăn nuôi, thủy sản…

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Item 1 of 3

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

Xuân về trên bản H’Mông. Ảnh: THUẦN VIỆT

PV: Với những kết quả chưa từng có trong tiền lệ chúng ta cũng tạo ra các giải pháp chưa từng có, với những kết quả này thì nó sẽ tạo đà như thế nào cho chiến lược mới của Bộ đặt ra trong năm tới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi hay nói, trong đại dịch chúng ta rút ra được điều gì mới là quan  trọng. Nếu như trong đại dịch chúng ta đưa ra các giải pháp để xử lý tình huống thì trong giai đoạn tới chúng ta phải xem nó là những giải pháp bổ sung cho chúng ta một quy trình, quy chế, kịch bản để chúng ta ứng phó linh hoạt ở bất kỳ tình huống nào.

Nếu không do dịch bệnh thì bản chất của thị trường vẫn luôn biến động, những gì là giá trị cốt lõi xuyên suốt, thì phải bổ sung vào. Tôi nói thí dụ như sản xuất bây giờ không còn là vấn đề quyết định để phát triển ngành nông nghiệp nữa mà cần tập trung đẩy mạnh chuỗi cung ứng. Làm sao phải xác định được quy mô thị trường trong từng thời điểm để chúng ta điều chỉnh sản xuất phù hợp với quy mô, thời điểm đó.

Chuỗi cung ứng đó nó phải được bảo đảm bởi hệ thống logictis trong lĩnh vực nông nghiệp. Xưa giờ nói logictis chúng ta hướng về xuất khẩu nhưng với thị trường một trăm triệu dân như thế này thì chuỗi cung ứng ngay ở thị trường trong nước chúng ta cũng phải đầu tư nhiều hơn. Để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn toàn cầu thì chuỗi cung ứng trong nội địa phải bảo đảm cho 100 triệu dân của chúng ta trước đã.

Do đó, trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ vừa qua, chúng tôi cũng đề xuất và được chấp nhận là sẽ đầu tư cho chuỗi cung ứng, logictis ngành hàng nông nghiệp ở trong nước để làm nền tảng vừa phân phối, giữ vững được thị trường trong nước một cách chủ động hơn ít bị lệ thuộc hơn.

Thứ hai là thông tin dữ liệu. Trước giờ tôi hay nói nông nghiệp của chúng ta là một nền nông nghiệp mù mờ. Nông nghiệp mù mờ trong lúc bình thường đã khó rồi, trong lúc có rất nhiều yếu tố tác động tới mà lại mù mờ nữa thì rất dễ bị đứt gãy. Sự thiếu thông tin dữ liệu sẽ xảy ra tình trạng nơi thì thiếu cái này, nơi thì thừa cái kia, sự điều phối sẽ không đúng nơi, đúng chỗ.

Nên sự chuyển đổi số trong nông nghiệp, minh bạch thông tin dữ liệu từ đầu cung đến đầu cầu rất quan trọng. Thông qua cơ sở dữ liệu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát huy vai trò điều phối. Bởi chúng ta chỉ đạo sản xuất trong nền kinh tế thị trường thì có lúc chúng ta phải can thiệp vào thị trường. Lúc bình thường thì thị trường sẽ tự vận hành nhưng mỗi khi đứt gãy, thị trường có những diễn biến bất thường thì phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua vai trò điều phối, vai trò tổ chức sản xuất vận chuyển lưu thông, tổ chức lại phân phối.

Đó là cái mà chúng tôi rút ra sau đại dịch Covid-19 và là những gì mà chúng ta nhìn thấy cái tồn tại của ngành nông nghiệp kể cả khi không có đại dịch. Câu chuyện thị trường bất ổn nó sẽ tiếp tục do nhiều tác động, chúng ta phải luôn luôn đối mặt và có những kịch bản thích ứng linh hoạt, điều phối kịp thời trong từng giai đoạn. Nó đòi hỏi bộ máy ngành phải có tư duy năng động hơn chứ không phải chỉ là một kế hoạch hoàn chỉnh. Sự linh hoạt thích ứng mới là sự quyết định thành công.

PV: Năm 2021, dự kiến giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cao kỷ lục, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 cao hơn hay không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát.

Nghĩa là, chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chúng ta chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường, kể cả cách thúc đẩy xuất khẩu vào từng thị trường.

Đa phần sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sang thị trường nước ngoài là phục vụ người gốc Á sinh sống ở quốc gia đó, chứ chưa thâm nhập vững chắc vào các hệ thống phân phối lớn ở các quốc gia.

Bởi vậy, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng nhanh, nhưng chưa có tính bền vững. Thí dụ, chúng ta thấy giá nhãn, vải thiều trên quầy kệ ở Nhật Bản và Mỹ có giá cao ngất ngưởng, chúng ta cảm thấy vui và tự hào. Nhưng thực ra, chi phí logistics đã chiếm phần lớn rồi.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tới mùa vụ chúng ta mới thu gom để xuất khẩu, mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá.

Chúng ta phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hoá theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Nếu nông sản không sạch thì chế biến cũng không sạch theo. Kể cả các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào, để tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.

Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị xuất khẩu nông sản và lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian.

Chúng tôi đã bàn với các hãng hàng không Bambo Airways và Vietjet Air, cơ bản các doanh nghiệp đồng ý giảm chi phí vận chuyển cho nông sản xuất khẩu. Khi đề án xuất khẩu nông sản bền vững được triển khai, tôi nghĩ chúng ta không chỉ xuất khẩu được 48,6 tỷ USD, mà còn cao hơn và vững chắc hơn.

PV: Bộ trưởng đã nhiều lần nêu quan điểm: Ngành nông nghiệp phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong năm 2022, tư duy này sẽ được thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mục tiêu của nền nông nghiệp đi theo tư duy sản xuất nông nghiệp là tạo ra giá trị cao hơn. Trong tam giác phát triển Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, mỗi bên phải liên kết, hỗ trợ, tạo ra không gian phát triển chung, bổ sung sức mạnh, sử dụng lợi thế của nhau. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi tín hiệu này, các doanh nghiệp hưởng ứng rất nhiệt tình.

Tôi cho rằng, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phải mang hơi thở cuộc sống, cộng hưởng với tư duy thị trường của doanh nghiệp, với sản xuất của nông dân thì khi đó chính sách mới thành công.

Nếu chính sách trong phòng lạnh, còn nông dân ở ngoài đồng thì sẽ có sự khập khiễng trong thực tiễn. Doanh nghiệp cũng không cần phải đợi chờ chính sách hỗ trợ mà hãy khuyến nghị chính sách thông qua những cách làm thực tế.

Năm 2021, nếu nói một từ duy nhất về ngành nông nghiệp thì đó là từ: BIẾN. Nhưng qua sự biến động, chúng ta cũng nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.

Khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, có thể thứ hạng nào đó trong sản lượng nông sản có thể giảm nhưng quan trọng là mang lại giá trị cao hơn, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ngày xuất bản: 05/02/2022
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH, XUÂN BÁCH
Nội dung: THANH TRÀ
Trình bày: ĐĂNG PHI, THANH TRÀ