Chuyển đổi số: Cơ hội lớn cho báo chí

Hội báo toàn quốc 2022 đã khép lại với việc quảng bá những sản phẩm báo chí gắn liền hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước. Trong đó, thông điệp về xu thế chuyển đổi số trong hoạt động báo chí đã nhận được nhiều sự quan tâm. 

Các phóng viên tác nghiệp tại Hội báo 2022. Ảnh: NAM ANH
Các phóng viên tác nghiệp tại Hội báo 2022. Ảnh: NAM ANH

Xu thế chung thuận lợi

Nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội đã và đang chuyển xu thế số hóa để thích nghi với thời cuộc. Báo chí-Truyền thông cũng phải dần thích nghi để có thể phục vụ bạn đọc được tốt hơn.

Tại Việt Nam, thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông đang ở mức ổn, độ phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao (hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh); dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh... Nắm bắt được điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng: Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, theo đó hỗ trợ ba nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: Nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; Nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; Nền tảng Hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. 

Cùng với đó, Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng-dịch vụ và an toàn thông tin.

Còn nhiều thách thức

Theo nhận định của Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung, nhất là với khối doanh nghiệp. Do đó, muốn chuyển đổi số thì các cơ quan báo chí cần phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người. Ông Tuấn nhận xét, hiện vẫn còn tình trạng báo chí ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả.

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” trong khuôn khổ Hội báo 2022, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi những hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hóa. Không chuyển đổi số thì mất độc giả.

Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quốc Minh, thực tế hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, nhiều cơ quan cho rằng chỉ đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm, có nghĩa là họ đã trên con đường chuyển đổi số nhưng thật ra không phải như vậy. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. “Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, việc có những lãnh đạo am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn. Cùng với đó, cần có sự đồng bộ từ những người xây dựng chiến lược đến những người trực tiếp triển khai”, nhà báo Lê Quốc Minh gợi mở.

Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số, mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, những sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn cho phù hợp môi trường chuyển đổi số. Có thể thấy, trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí sẽ đứng trước ba thách thức lớn cần đối mặt để giải quyết là: Công nghệ, chi phí đầu tư và con người. Đây là ba thách thức cần phải điều chỉnh, thay đổi hài hòa cùng lúc chứ không thể diễn ra độc lập, như vậy mới có thể đem lại hiệu quả cao cho chuyển đổi số.

Bám sát thông điệp nổi bật của Hội báo toàn quốc năm nay là xu thế chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, nhiều gian hàng tại Hội báo đã thể hiện được nhiều hình thức độc đáo trong cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm gắn với mục tiêu phát triển số của mình như: gian của VOV, VTV, gian báo của báo Thanh Niên, gian chuyên đề báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông… Trong đó, báo Tuổi Trẻ đã giành giải A hạng mục giải “Ấn tượng Hội báo toàn quốc”, Báo Nhân Dân điện tử đoạt giải A ở hạng mục Giải Giao diện điện tử ấn tượng. Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” giành giải A hạng mục giải “Ấn tượng Hội báo toàn quốc”…