Xin đừng đặt nặng thành tích!

Dù năm học 2021 - 2022 mới diễn ra được vài tuần lễ, nhưng đã có những cảnh báo về sức khỏe tinh thần đối với học sinh. Đau lòng hơn, một số vụ việc liên quan an toàn tính mạng của trẻ là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc. Trong bối cảnh ngành giáo dục chịu tác động chưa từng có từ đại dịch Covid-19, thay vì chú trọng đến yếu tố thành tích trong dạy-học, nên chăng nhà trường và chính phụ huynh cần tập trung vào việc bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho các em.

Học sinh khối 8 hứng thú khám phá kiến thức trong tiết học “Life”. Ảnh: Trường Olympia
Học sinh khối 8 hứng thú khám phá kiến thức trong tiết học “Life”. Ảnh: Trường Olympia

Cô Đinh Thị Quỳnh Liên, giáo viên tư vấn tâm lý Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, số học sinh yêu cầu được tư vấn tâm lý đầu năm học này nhiều hơn hẳn những năm trước. Hơn lúc nào hết, các em đang cần được lắng nghe và chia sẻ.

Tạo vòng tròn kết nối

Ghi nhận những tác động của việc học online kéo dài đối với các học sinh, đặc biệt ở bậc tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, người sáng lập và điều hành Quỹ Sách và trẻ thơ, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) khuyến nghị, nhà trường cần phải chấp nhận việc thử nghiệm, từ đó đúc kết được phương án tối ưu nhất. “Giáo viên đóng vai trò then chốt, quyết định trong việc khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh, làm cho lớp học online sinh động, hiệu quả. Nhà trường đóng vai trò chủ đạo, tổ chức và tập huấn bổ trợ cho việc dạy học trực tuyến của giáo viên”, TS Huyền phân tích.

Đối với các em ở bậc học này, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng. Không chỉ theo sát, đồng hành cùng con, bản thân phụ huynh cũng cần tiếp cận nội dung được giảng dạy để hỗ trợ con hiểu bài. Nếu lúng túng về cách thức kèm dạy con, phụ huynh nên liên hệ với thầy cô giáo để được trợ giúp.

Ngay cả đối với học sinh cấp trung học cơ sở, việc học trực tuyến cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Chuyên gia tâm lý học Đinh Thị Trinh phân tích: Đây là giai đoạn học sinh có nhiều sự thay đổi về cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức. Song dịch bệnh khiến các mối quan hệ cũng như hoạt động xã hội phải hạn chế, dừng lại, khiến nhiều trường hợp bị ức chế tâm lý. Trong quá trình dạy và học, các nhà trường cần để tâm đến dấu hiệu thường gặp của học sinh nhằm kịp thời hỗ trợ như: thành tích học tập sụt giảm đột ngột; bỏ học, bỏ tiết nhiều lần; mệt mỏi, buồn bã kéo dài; rút khỏi các tương tác với bạn bè, dù là không trực tiếp; hành vi ứng xử trở nên hung hăng, mất kiểm soát, chống đối…

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, lưu ý, trong quá trình tư vấn tâm lý cho học sinh, có thể giáo viên sẽ gặp một số phụ huynh cũng đang gặp khó khăn về tâm lý, thì giáo viên cũng cần tư vấn luôn cho phụ huynh. Chính sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình - nhà trường - xã hội và pháp lý sẽ tạo điều kiện tốt nhất giúp học sinh vượt qua những khó khăn học tập trong mùa dịch.

Linh hoạt giảm tải

Đã có không ít nhà trường chủ động áp dụng những biện pháp hữu hiệu nhằm tạo nên sự kết nối hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và chính các em học sinh. ThS Nguyễn Thị Tâm Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Olympia (Hà Nội), phụ trách cấp Trung học cơ sở, cho biết: “Ngay từ sớm, trường đã chủ động xây dựng khung thời gian biểu hợp lý như: Tăng thời lượng nghỉ trưa cho học sinh được thư giãn và tái tạo năng lượng học tập; tổ chức tuần định hướng để các con bắt đầu nhịp sinh hoạt và làm quen với bối cảnh mới; đặc biệt, triển khai hệ thống phần mềm học tập trực tuyến Canvas để tăng tính tương tác giữa học sinh - giáo viên - gia đình…”.

Xác định tình hình dịch bệnh sẽ còn dai dẳng, thậm chí phải “sống chung với Covid-19”, nhằm giảm tải cho giáo viên, phụ huynh, nhất là học sinh nhỏ tuổi, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục tiểu học ứng phó với dịch Covid-19, xác định nội dung dạy học cốt lõi để các trường linh hoạt áp dụng. Cụ thể, với lớp 1, 2 học theo chương trình Giáo dục 2018 (mới), các trường tập trung chỉ đạo giáo viên nghiên cứu chương trình môn học, sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với tiến trình dạy trực tuyến, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà với sự hỗ trợ của phụ huynh, đặc biệt không gây áp lực cho học sinh.

Với các lớp 3, 4, 5 đang học chương trình Giáo dục 2006 (cũ), tập trung hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học, giữa các môn học, đồng thời tích hợp, lồng ghép để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc điều chỉnh này chỉ là “giải pháp tình thế”. Sau khi dịch được kiểm soát, học sinh trở lại trường, các trường phải có kế hoạch để tổ chức ôn tập bổ sung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện nội dung mới, bảo đảm công tác kiểm tra đánh giá theo quy định.

Chia sẻ những áp lực mà cả giáo viên lẫn học sinh phải đối mặt khi tham gia dạy-học online, chuyên gia giáo dục ThS Nguyễn Viết Hiền gợi mở: Giáo viên cần nắm rõ các thông tin của từng học sinh về thiết bị học tập, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm sinh lý, khả năng tập trung ra sao - từ đó lên ý tưởng xây dựng kế hoạch tổ chức bài học cho phù hợp. Một số phần trong bài học nên chuyển sang dạng trò chơi vừa sức cả về thời gian và lượng kiến thức truyền đạt đến học sinh.

Phủ sóng mang đến nguồn sáng nhân văn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai. Chương trình ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội, nhất là các tập đoàn lớn về khoa học - công nghệ. Chẳng hạn như, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết ủng hộ 24.000 máy tính, tương đương số tiền 60 tỷ đồng để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên, đặc biệt là trẻ em tại những khu vực khó khăn, không đủ điều kiện học trực tuyến. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết sẽ nhanh chóng phối hợp các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông để làm sao “có sóng” tới tất cả học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% số trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Cùng với những giải pháp tình thế, sự ứng phó linh hoạt đã cho thấy hiệu quả trong hiện tại, song về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, sớm có những nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch Covid-19 làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tương lai đất nước”.

Hiện cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó, hơn 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tính tới ngày 12/9, cả nước có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị.