Xây dựng quy chuẩn, nâng cao năng lực

Giải quyết các bất cập tồn tại của hệ thống y tế lao động xã hội hiện nay ra sao? Chung quanh vấn đề này, phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Trang (ảnh bên), Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế.

Xây dựng quy chuẩn, nâng cao năng lực

- Hệ thống y tế lao động xã hội được nhìn nhận là còn nhiều hạn chế và bất cập, bà có thể cho biết cụ thể về thực trạng?

- Hệ thống y tế lao động đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như công tác khám bệnh nghề nghiệp chưa thật sự được triển khai đầy đủ so với các yếu tố có hại mà người lao động tiếp xúc trong quá trình sản xuất, do sự hợp tác hạn chế từ phía người sử dụng lao động trong việc cung cấp thông tin về quy trình sản xuất, các mối nguy hại trong nguyên liệu và công nghệ. Còn tình trạng doanh nghiệp né tránh khám bệnh nghề nghiệp hoặc khám đối phó (không khám đủ số lượng, không tổ chức khám đối với các loại bệnh nhiễm độc có nguy cơ phát sinh trong môi trường làm việc, không hoàn chỉnh thủ tục giới thiệu người lao động mắc bệnh nghề nghiệp ra giám định).

Các đơn vị khám bệnh nghề nghiệp hiện nay còn hạn chế về năng lực khám, chẩn đoán: Thiếu bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu về khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp; thiếu trang thiết bị và máy móc chuyên dụng. Các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động được điều dưỡng phục hồi chức năng trong toàn quốc mới chỉ đạt tỷ lệ dưới 1%.

Bên cạnh đó, phần lớn trường hợp tai nạn lao động ở khu vực không chính thức (không có hợp đồng lao động) không được báo cáo theo quy định mà chỉ ghi nhận được một phần trong hệ thống thống kê, báo cáo của các cơ sở y tế khi khai thác nguyên nhân tai nạn. Chưa kể, có tới hơn 80% số doanh nghiệp chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động và báo cáo kết quả quan trắc, vì vậy số liệu chưa phản ánh được môi trường lao động tổng thể. Nhiều yếu tố tâm sinh lý và các yếu tố mới chưa được đánh giá. Đối với khu vực nông nghiệp, làng nghề và người lao động thuộc khu vực phi kết cấu, các hoạt động quan trắc môi trường lao động hầu như chưa được thực hiện.

- Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

- Về chủ quan là do nhận thức của một số doanh nghiệp, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan và người dân về vệ sinh lao động chưa đầy đủ. Việc chỉ đạo, quản lý công tác vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp ở một số tỉnh, thành phố chưa được quan tâm đúng mức.

Về khách quan, hiện một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Năng lực, trình độ cán bộ làm công tác y tế lao động ở địa phương còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động còn chưa thường xuyên và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Kinh phí đầu tư cho ngành y tế chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động trước các yếu tố có hại tại nơi làm việc.

- Có thể thấy là cơ quan chức năng đã nhìn nhận khá đầy đủ về những bất cập, tồn tại của hệ thống y tế lao động xã hội. Để giải quyết những vấn đề này, theo bà, cần những giải pháp gì?

- Tôi cho rằng, cần củng cố nhân lực cán bộ làm công tác y tế lao động, bổ sung biên chế, vị trí việc làm cho người làm công tác y tế đặc thù này. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Tổ chức đào tạo chuyên khoa sâu và đầu tư trang thiết bị và máy móc chuyên dụng phục vụ khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp. Cùng đó là chuẩn hóa Chương trình đào tạo chuyên ngành về y tế lao động xã hội tại các trường đại học y, dược vốn chưa được xây dựng và thông qua. Đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn chuyên môn, các hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người làm công tác y tế lao động xã hội.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chuẩn về vệ sinh lao động và các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe người lao động. Có chính sách hỗ trợ, tăng mức thu nhập cho cán bộ y tế lao động xã hội, có cơ chế thu hút nguồn cán bộ làm công tác. Rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Ban hành Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ chuyên môn về y tế lao động cho người làm trong lĩnh vực này.

Công tác y tế lao động xã hội là một chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, thuộc thẩm quyền quản lý thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ Y tế chỉ được giao trách nhiệm hướng dẫn, quản lý về chuyên môn kỹ thuật y tế, chưa được trao quyền cụ thể trong việc quy định, ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các vấn đề chuyên môn đặc thù, thẩm quyền quản lý, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở lao động còn bó hẹp nên chưa phát huy được hiệu quả của công tác quản lý y tế lao động. Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ phân công trách nhiệm cụ thể hơn cho ngành y tế, để có cơ chế thuận lợi và thẩm quyền đầy đủ trong ban hành chính sách, pháp luật, quản lý và kiểm tra, xử lý vi phạm về công tác y tế lao động.

- Xin cảm ơn bà!.