Vun bồi văn hóa chất lượng

Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, GS, TS Mai Trọng Nhuận (trong ảnh) - nguyên Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Cần có những giải pháp đồng bộ và căn cơ hơn nữa để hoạt động này thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Vun bồi văn hóa chất lượng

- Thưa Giáo sư, dù đã có khung pháp lý khá đầy đủ, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, theo nhìn nhận của nhiều người, vẫn chưa được đặt đúng tầm mức quan trọng của nó, và còn nhiều vướng mắc?

- Quá trình áp dụng chính sách bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm, triển khai, điều chỉnh và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, còn có một số vấn đề cần cải thiện trong giai đoạn tiếp theo, đó là: Cần ban hành các chính sách, thủ tục và quy trình đầy đủ để giúp các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phát triển bền vững và giúp cơ sở giáo dục đại học tổ chức xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, nhằm cải tiến liên tục và nâng cao chất lượng giáo dục.

Cơ chế tài chính cho hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học còn chưa rõ ràng, chưa có quỹ đầu tư cho kiểm định chất lượng giáo dục để bảo đảm sự độc lập về tài chính của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục được kiểm định chất lượng. Chưa tách bạch rõ các khâu đánh giá, thẩm định và cấp chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo. Quá trình này hiện tại được các đoàn đánh giá ngoài, Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện, mà chưa có cơ quan, tổ chức thẩm định độc lập chất lượng của các báo cáo, kết quả đánh giá ngoài trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục chưa được đầu tư thích đáng về nguồn lực bao gồm cả tài chính và nhân sự. Còn khá nhiều cơ sở giáo dục chưa triển khai đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (tới nay, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, mới có khoảng 6% tổng số chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định). Việc thực hiện bảo đảm chất lượng bên trong và kiểm định chất lượng giáo dục có nơi, có lúc còn mang tính đối phó chứ chưa phải là nhu cầu tự thân để cải tiến và nâng cao chất lượng thật sự.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục chưa được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực...

Vì thế "văn hóa chất lượng" trong các cơ sở giáo dục đại học còn mong manh, dễ biến mất nếu không được vun bồi.

- Cùng với bảy trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong nước, đã có ba trung tâm kiểm định của nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Chưa kể một số chương trình đào tạo liên kết quốc tế chịu sự kiểm định của các trung tâm kiểm định nước ngoài. Quanh vấn đề này, xin Giáo sư chia sẻ góc nhìn về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn?

- Việc cho phép các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo của nước ngoài hoạt động ở Việt Nam là cần thiết, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế về giáo dục.

Tuy nhiên, cần lưu ý khắc phục một số vấn đề có thể nảy sinh khi nhiều tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo của nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, như: (i) cần bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước khi việc kiểm định còn thu phí; (ii) do điều kiện về thời gian và chưa tương đồng về ngôn ngữ, các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài chủ yếu nhận định dựa vào kết quả phỏng vấn, khảo sát thực địa (mà chưa thể soi chiếu hết các minh chứng bằng tiếng Việt) trong điều kiện "văn hóa chất lượng" ở các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam chưa sâu đậm…

Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc lựa chọn và cho phép các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động cần thiết phải có sẵn các chế tài, các quy định và cơ chế giám sát các hoạt động của các tổ chức này. Việt Nam cần khẩn trương bổ sung quy định pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ, quy định rõ ràng về điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đồng thời kèm theo các quy định về giám sát, đánh giá hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức này.

Ðồng thời, cần xem xét các kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được các quốc gia khác công nhận như thế nào. Từ đó, khi được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài công nhận thì khả năng hội nhập quốc tế của các chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục ở Việt Nam cao hơn.

- Ðể công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học thật sự phát huy tác dụng, cần có những giải pháp gì, thưa Giáo sư?

- Ngoài việc phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục một số tồn tại đã nêu trên, theo tôi, cần có chiến lược phát triển bền vững hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các công cụ đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo, xây dựng và hoàn thiện các mốc chuẩn đánh giá đối với từng bộ tiêu chuẩn và các văn bản hướng dẫn triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Tiếp tục nghiên cứu chính sách, cơ chế khuyến khích đủ mạnh, phù hợp đối với những cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng và có những hình thức cụ thể đối với những cơ sở không thực hiện đánh giá hoặc không đạt chuẩn chất lượng.

Nghiên cứu các mô hình bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp Việt Nam và đáp ứng hội nhập quốc tế; tạo cơ chế chính sách bình đẳng cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế cùng hoạt động và phát triển.

Cần tăng cường hoạt động đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, kiểm định viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ sở giáo dục đại học, thống nhất trong nhận thức của đội ngũ này về vai trò, hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là trong việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế về lĩnh vực này.

Các giải pháp nêu trên sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam sớm đáp ứng khung bảo đảm chất lượng khu vực ASEAN, góp phần quan trọng thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, yêu cầu thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế về giáo dục đại học.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư .

Luân Vũ - Hồng Phúc (Thực hiện)